Gỡ vướng để cấp nước sạch cho người dân

Thời gian qua, ngành cấp nước TPHCM đã tập trung phát triển hệ thống mạng phân phối nước nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sạch của người dân thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, tại một số địa phương của huyện Cần Giờ, người dân vẫn chưa đủ nước sạch để dùng. Tại huyện này, còn 4.500 hộ dân vẫn phải xài nước từ nguồn gián tiếp, khó đảm bảo chất lượng.
Nhân viên ngành nước lắp đồng hồ nước cho người dân ở Doi Mỹ Khánh, huyện Cần Giờ
Nhân viên ngành nước lắp đồng hồ nước cho người dân ở Doi Mỹ Khánh, huyện Cần Giờ

Dân chờ nước sạch

Đang bán hàng cho khách, thấy trời kéo mây đen, các thành viên trong gia đình ông Phạm Văn Hùng, ở ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ vội chạy đi tìm dụng cụ hứng nước mưa. “Khu vực này vẫn còn xài nước từ sà lan nên chất lượng chưa cao. Nhiều khi cả tháng, chúng tôi phải bấm bụng xài nước có bợn vàng, vị mặn mặn, nên mỗi khi mưa to phải canh hứng, trữ nước mưa để dùng”, ông Hùng tâm sự.

Đến vòi nước sinh hoạt của gia đình, ông Hùng vặn mở hết van thì nước chỉ chảy nhỏ giọt. Dù vậy theo ông Hùng, nước chảy là đã mừng vì có khi kéo dài quá nửa tháng, gia đình ông vẫn không có được giọt nào và phải đi mua nước sạch giá cao về xài.

“Nghe nói công ty cấp nước sẽ kéo đường ống và cung cấp nước sạch liên tục cho người dân. Mừng lắm nhưng chúng tôi chờ nhiều năm nay vẫn chưa thấy”, ông Hùng nói thêm.

Tình cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt của gia đình ông Hùng cũng là nỗi khổ của hơn 4.500 hộ dân trên địa bàn huyện Cần Giờ. Đến nay, họ vẫn phải sử dụng nước từ nguồn các trạm cấp nước vệ tinh và các điểm đổi lẻ lấy nguồn nước từ chuyên chở của sà lan.

Theo Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco), từ nỗ lực của chính quyền và ngành cấp nước TPHCM, đến nay đã có 14.645 hộ gia đình (trong tổng số gần 19.200 hộ dân ở huyện Cần Giờ) đã được tiếp cận, sử dụng nước sạch do Sawaco cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong đó, hơn 1.670 hộ được sử dụng nước sạch trực tiếp từ đường ống và hơn 12.970 hộ sử dụng nước sạch do Sawaco cung cấp qua đồng hồ tổng cho trạm vệ tinh.

Như vậy, hiện nay, 100% người dân ở huyện Cần Giờ được cung cấp nước theo 3 phương thức. Trong đó, tỷ lệ hộ dân tiếp cận sử dụng nước do Sawaco cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp tăng dần mỗi năm, tương ứng với số hộ dân sử dụng nước qua sà lan. Điều này góp phần giảm kinh phí cấp bù ngân sách từ 60 tỷ đồng/năm còn khoảng 27-30 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, điều đáng lo là vẫn còn hơn 4.500 hộ phải xài nước từ nguồn các trạm cấp nước vệ tinh và các điểm đổi lẻ lấy nguồn nước từ sà lan, khiến chất lượng nước không được đảm bảo.

Nỗi lo chất lượng nước

Trước năm 2011, việc cung cấp nước sạch đến người dân ở huyện Cần Giờ do các trạm cấp nước Nhà nước đầu tư và các trạm cấp nước vệ tinh tư nhân, nhỏ lẻ đảm nhiệm. Nguồn nước được lấy thông qua vận chuyển sà lan, ghe lòng. Tại thời điểm đó, có hơn 30 vệ tinh cung cấp nước cho người dân toàn huyện. Hạ tầng kỹ thuật hệ thống của các trạm cấp nước còn hạn chế do sử dụng lâu năm, ít được đầu tư cải tạo. Trong khi đó, nguồn nước cấp phụ thuộc vận chuyển từ sà lan nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước liên tục của người dân.

Để giải bài toán nước sạch, từ năm 2011 đến nay, thực hiện chủ trương của thành phố giao, Sawaco phối hợp với UBND huyện Cần Giờ ưu tiên đầu tư hạ tầng, phát triển mạng lưới cấp nước ở huyện, nhằm hoàn thiện mạng lưới cấp nước và giảm cấp bù từ ngân sách. Đến nay, Sawaco đã đầu tư 22 dự án phát triển mạng lưới phân phối nước đến các xã trong huyện (14 dự án đã hoàn thành và 8 dự án đang triển khai) với tổng kinh phí khoảng 254 tỷ đồng. Thế nhưng, công tác cấp nước cho người dân ở Cần Giờ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, ở nhiều khu vực, đường ống được kéo tận nhà dân, nhưng Sawaco vẫn chưa thể cấp nước sạch do vướng thủ tục trong khâu tiếp nhận vùng.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn 16 đơn vị cấp nước và một số điểm đổi lẻ. Đa phần các trạm cấp nước vệ tinh đồng ý bàn giao cho Sawaco vùng cấp nước. Song, các đơn vị này mong muốn được “đền bù” chi phí đầu tư cũng như hỗ trợ trong chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Tuy vậy, các mong muốn này chưa được các cấp, ban ngành thông qua.

Để đảm bảo việc cung cấp nước đến người dân, ngoài ngân sách thành phố cấp bù vì giá nước thấp, những năm qua, Sawaco cũng nỗ lực cân đối và bù chi phí (do giá nước cấp cho vệ tinh chỉ 1.595 đồng/m3) để đảm bảo hoạt động cấp nước ở Cần Giờ. Bên cạnh đó, địa bàn Cần Giờ rộng lớn cũng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, phục vụ cấp nước cho người dân. Thực tế, một nhân viên xí nghiệp cấp nước ở đây đang kiêm nhiệm nhiều vị trí.

“Điều lo lắng hơn là, hệ thống cấp nước của các trạm vệ tinh phần lớn đã cũ và xuống cấp, nên công tác cấp nước không thể đảm bảo liên tục 24/24. Trong khi đó, nước được chở bằng sà lan cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, chất lượng nước cung cấp không đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định; đội ngũ nhân sự phục vụ còn thủ công. Ngoài ra, ngân sách thành phố vẫn phải cấp bù chi phí hàng năm cho các trạm cấp nước vệ tinh lấy nguồn từ sà lan”, đại diện Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ trăn trở.

Để người dân huyện Cần Giờ được tiếp cận, sử dụng nước sạch trực tiếp từ hệ thống cấp nước chung của thành phố và sử dụng nước an toàn, chất lượng, liên tục như các quận huyện khác, việc đầu tư đồng bộ phát triển mạng lưới kết hợp, thay thế các trạm vệ tinh cấp nước mà hạ tầng mạng lưới đã xuống cấp như hiện nay là rất cần thiết. Trong đó, giải pháp xem xét hỗ trợ các vệ tinh để bàn giao vùng cấp nước cho Sawaco nhằm đảm bảo cấp nước sạch cho người dân rất cần được các ban, ngành tính đến.

Tin cùng chuyên mục