Hôm nay, tại Hà Nội, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII chính thức khai mạc. Góp mặt cùng 1.500 đại biểu đến từ khắp mọi miền trên dải đất hình chữ S là 52 đại biểu ưu tú đến từ TPHCM. Họ là những điển hình góp hương cho đời, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu 2 cá nhân và 1 tập thể trong số những điển hình tiêu biểu trên.
Tình bạn đẹp
Với tình bạn thật trong sáng và lòng ham học thật đáng nể, cặp đôi Nguyễn Quốc Đạt và Lê Thanh Vũ, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn An Khương, Hóc Môn vinh dự được ra Hà Nội dự đại hội.
Lê Thanh Vũ sinh ra đã không may mắn vì chân tay em đều bị yếu. Lên lớp 3, Vũ không thể đi lại. Nhà nghèo, ba làm công nhân, mẹ công việc không ổn định, lại còn 2 em nhỏ nên hoàn cảnh gia đình Vũ rất khó khăn. Đôi chân của Vũ cũng đã được thăm khám bác sĩ nhưng việc phục hồi trở lại hay không là điều may rủi. Vũ nói, nếu muốn đôi chân có hy vọng mạnh khỏe trở lại, em phải dành toàn bộ thời gian để tập vật lý trị liệu, mà như thế thì gia đình không đủ tiền, em cũng không muốn bỏ hết việc học hành để cứu lấy đôi chân. Nghĩ thế nên 5 năm qua, Vũ đến trường bằng nhiều đôi chân khác nhau, có đôi chân của ba mẹ, có đôi chân của bạn bè.
Và đặc biệt là đôi chân của Nguyễn Quốc Đạt, người bạn cùng xã, học cùng lớp, người đã cõng em suốt 5 năm qua để giúp em thuận lợi việc học ở trường.
Không phụ lòng ba mẹ, thầy cô, bạn bè, không phụ lòng Đạt, từ lúc đi học đến giờ, năm nào Vũ cũng đạt học sinh giỏi. Mê vi tính, giỏi Toán, Vũ mơ ước trở thành một lập trình viên thật giỏi để báo đáp công ơn của gia đình, thầy cô và cả người bạn thân Nguyễn Quốc Đạt.
Về phần mình, Đạt kể, năm lớp 3, bước vào lớp nhìn thấy Vũ với đôi chân bị liệt, trong em đã nảy ý nghĩ sẽ giúp đỡ Vũ. “Em giúp Vũ tình nguyện, việc đó xuất phát từ đáy lòng em”, Đạt hồn nhiên nói. 5 năm rồi, ba mẹ Vũ có trách nhiệm chở Vũ đến trường, còn từ cổng trường vào lớp, từ lớp đến các nơi khác trong trường, đến lớp tin học, Đạt lãnh trách nhiệm cõng Vũ. Tình bạn cũng theo thời gian mà trở nên khăng khít hơn.
Đạt phục Vũ dù khó khăn nhưng học rất giỏi. Vũ cũng hay giúp đỡ bạn bè rất tận tình trong việc học. “Có hôm em cõng bạn từ cổng trường vào lớp, chân em bị căng cơ, rất đau nhưng vẫn cố cõng Vũ. Sau đó chân em bị đau, phải nghỉ học mất mấy ngày, Vũ lại giảng lại bài vở cho em”, Đạt kể. Có những lần cãi nhau, Đạt vẫn cõng Vũ, nhưng chỉ cõng chứ không nói chuyện. “Vũ hiền mà, rồi tụi em cũng giảng hòa. Hai đứa em sẽ luôn sát cánh bên nhau”, Đạt nói.
Tấm gương học giỏi, vì bạn của cặp đôi Đạt - Vũ vẫn được thầy cô tuyên dương trước trường để khích lệ tinh thần các bạn khác. Nếu Vũ muốn sau này trở thành lập trình viên thì Đạt muốn trở thành giáo viên tiếng Anh hoặc làm bác sĩ để chữa miễn phí cho người nghèo. Năm nay cả hai đã học lớp 8, 1 năm nữa thôi, có thể Đạt – Vũ sẽ không học chung trường THPT. Hỏi Đạt, Đạt chỉ cười: “Nếu còn học chung, nhất định em sẽ vẫn cõng Vũ. Còn bây giờ, học chung ngày nào là em còn cõng Vũ ngày đó...”.
Ngọn cờ đầu
Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần này, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình là đại diện duy nhất của các cơ sở giáo dục TPHCM được vinh dự tôn vinh. Hiệu trưởng THPT Nguyễn Thượng Hiền, cô Hồ Cam Thanh là người đại diện trường ra dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi trò chuyện với cô là sự khiêm nhường đáng ngạc nhiên, dù ngôi trường mà cô phụ trách luôn được vinh danh là một trong những ngọn cờ đầu của ngành giáo dục TPHCM.
Cô Thanh cho hay, thi đua khen thưởng chính là động lực để có một đội ngũ giáo viên tận tâm ở Trường Nguyễn Thượng Hiền. “Công tác thi đua khen thưởng được chúng tôi làm khá tốt. Việc chăm sóc đội ngũ cũng hết sức bài bản. Khó khăn là chung nhưng phải chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức, vận dụng những chế độ chính sách cũng như điều kiện của trường để tập trung lo cho giáo viên. Chúng tôi dùng đòn bẩy kinh tế để chăm lo tốt nhất cho các thầy cô giáo”, cô Thanh chia sẻ.
Không ỷ lại nhà nước. Không than khó. Khai thác từ mặt bằng của trường để tổ chức các trung tâm dạy ngoại ngữ, tin học, văn hóa... từ đó mà có nguồn lo cho giáo viên. Giáo viên ở Trường Nguyễn Thượng Hiền vì vậy được trả 2 loại lương, lương nhà nước và lương nhà trường.
Theo cô Thanh, đó là một trong những động lực lớn để đội ngũ giáo viên dành toàn bộ tâm sức cho việc dạy ở trường, không chân trong chân ngoài, không “kinh doanh” trên những mái đầu xanh. “Chúng tôi đã thực sự có một đội ngũ giáo viên có tâm, có tầm, bảo đảm để nâng cánh tri thức cho học sinh”, cô Thanh chia sẻ.
Ngoài ra, trường cũng đã làm rất tốt việc xây dựng nền nếp trong học tập, bảo đảm “thầy ra thầy, trò ra trò”, có đội ngũ giám thị mạnh để hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm trong việc xây dựng nền nếp nhà trường. Học sinh lại được đào tạo một cách toàn diện, không chăm chăm vào học kiến thức, vì thế cô Thanh tự hào về lớp học sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền đã bước vào đời với những chuẩn kiến thức tốt, kỹ năng sống phong phú.
Với cô Cam Thanh, TPHCM có những ngôi trường đã có lịch sử cả trăm năm như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Lê Quý Đôn... Trường Nguyễn Thượng Hiền chỉ mới bước qua tuổi 40, lại ở vùng ven ngoại thành, nên cô cũng như tất cả những cộng sự đang sát cánh cùng nhau ở đây chỉ mong sao ngay tại Tân Bình có một địa chỉ tin cậy để con em người lao động học tập, không thua bạn kém bè.
Mong ước ấy nghe có vẻ giản dị nhưng đã được vun đắp bằng rất nhiều mồ hôi công sức suốt 40 năm qua, để giờ đây, không chỉ con em ở Tân Bình, mà rất nhiều quận huyện khác, kể cả ở trung tâm TP cũng tìm đến địa chỉ này để học tập, trở thành những người được giáo dục nhân cách một cách toàn diện.
| |
PHAN THẢO - LÂM NGUYÊN