Con số này cho thấy câu chuyện về tác động của biến đổi khí hậu và định giá khí thải carbon rõ ràng sẽ là hướng đi của tương lai mà các doanh nghiệp cần quan tâm.
Cải thiện hình ảnh
Microsoft, Walt Disney và General Motors nằm trong danh sách 80 công ty Mỹ đang cùng với các doanh nghiệp toàn cầu thực hiện định giá khí thải carbon - cơ chế mà các công ty trả một khoản tiền tương ứng với lượng carbon dioxide (CO2) mà họ thải ra môi trường nhằm góp sức trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ông Bob Stout, Phó Giám đốc chi nhánh tại Mỹ của Tập đoàn năng lượng Anh BP, cho biết trong bối cảnh thế giới đang ngày càng nhận thức sâu sắc về tác hại của biến đổi khí hậu, các nhà đầu tư cũng bắt đầu coi trọng khả năng thích ứng của các doanh nghiệp đối với những thay đổi về chính sách và xu hướng năng lượng trong tương lai.
Báo cáo của C2ES cho rằng việc thực hiện định giá khí thải carbon còn có thể giúp các doanh nghiệp trở nên “hấp dẫn” hơn trong mắt các nhà đầu tư khi gửi đi hình ảnh về hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và tính toán trong dài hạn. Bằng việc trực tiếp trả tiền cho lượng khí thải carbon của mình, các doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế được việc vướng vào các vấn đề pháp lý.
Các chuyên gia về khí hậu từng cảnh báo muốn hạn chế mức nhiệt tăng ở 20C vào cuối thế kỷ thì trước năm 2020, thế giới phải đạt được các cột mốc quan trọng. Cụ thể, hoàn thành mục tiêu năng lượng sạch cung cấp 30% lượng điện tiêu thụ toàn cầu và nghiêm cấm hoàn toàn việc thành lập thêm các nhà máy điện sử dụng than đá sau năm 2020.
Giới chuyên gia cũng kêu gọi áp dụng các biện pháp cứng rắn để hạn chế mức xả thải carbon từ các ngành công nghiệp nặng cũng như các hoạt động xây dựng và hạ tầng. Các chính phủ cũng như các ngân hàng phải tăng mức hỗ trợ cho việc áp dụng các biện pháp cắt giảm khí thải lên gấp 10 lần so với mức 81 tỷ USD hiện tại.
Thảm họa do biến đổi khí hậu?
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), có 42 chính phủ hiện đang áp dụng hoặc có kế hoạch áp dụng các biện pháp đánh thuế khí thải carbon, hoặc có cơ chế buôn bán hạn ngạch khí thải carbon. Tuy nhiên, Mỹ - cường quốc số một thế giới lại không áp dụng các cơ chế này và đang là nước được xem là nằm ngoài nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Paris cũng vấp phải sự chỉ trích của dư luận trong và ngoài nước. Hành động này đã liên tiếp bị xới lại trong thời gian gần đây, khi Mỹ và các nước vùng Caribbean liên tục hứng chịu sự tàn phá dữ dội của hai cơn bão Harvey và Irma.
Truyền thông Mỹ đã có những bài viết mổ xẻ câu chuyện liên quan đến biến đổi khí hậu của hai cơn bão, cho rằng bão Harvey và Irma không phải là thảm họa thiên nhiên mà chính là tác động của biến đổi khí hậu. Lấy ví dụ từ cơn bão Harvey, Kevin Trenberth, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ cho rằng cơn bão Harvey gặp một trong những vùng biển nóng nhất hành tinh với nhiệt độ vùng nước mặt ấm hơn nhiệt độ trung bình 1,5-40C. Được bổ sung năng lượng vùng nước ấm bất thường trên Vịnh Mexico, bão Harvey mạnh lên thành siêu bão cấp 4 chỉ trong khoảng 48 giờ. Mặc dù hai cơn bão đã gây ra những thiệt hại không nhỏ, nhiều chuyên gia cho rằng rất ít khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ thừa nhận mối liên hệ khoa học giữa vấn đề biến đổi khí hậu và các thảm họa tự nhiên, hay tăng thêm ngân sách và siết chặt quy định nhằm hạn chế tổn thất do bão lũ trong tương lai.