GS-TS-nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sinh ngày 14-7-1932 tại Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Năm 1947, ông tham gia kháng chiến, hoạt động trong Ban tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho.
Năm 1948, ông theo học trường Văn hóa kháng chiến Phan Lương Trực tại Đồng Tháp Mười, gia nhập bộ đội năm 1949 và công tác tại Tổ Quân nhạc khu 8. Một thời gian sau, ông chuyển công tác sang Đoàn Văn công Mặt trận Đồng Tháp Mười. Năm 1954, Nguyễn Văn Nam tập kết ra Bắc và làm việc đến năm 1959.
Ông được chuyển ngành sang Bộ Văn hóa rồi được cử đi học sáng tác nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội sau này). Năm 1966, Nguyễn Văn Nam tốt nghiệp loại giỏi và được cử đi học tại Nhạc viện Leningrad, nay là Nhạc viện Sankt-Peterburg (Cộng hòa Liên bang Nga). Ông hoàn tất chương trình học và tốt nghiệp vào năm 1973, sau đó về Việt Nam làm việc.
Năm 1974, ông lại được cử đi học nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Leningrad và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ hai ngành Sáng tác và Lý luận. Ông đã ở lại Nga làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học nước Cộng hòa XHCN Xô Viết Tự trị Kabardino-Bankar từ năm 1979, là hội viên chính thức của Hội Nhạc sĩ Liên Xô (nay là Cộng hòa Liên bang Nga).
Năm 1991, ông trở về nước, tham gia công tác giảng dạy bậc Đại học và Cao học chuyên ngành Sáng tác, Lý luận tại Nhạc viện TPHCM và Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. Trong 26 năm làm việc tại Nhạc viện TPHCM, ông được phong hàm Giáo sư vào ngày 20-11-2015 vì những đóng góp cho nền âm nhạc của Việt Nam.
Trong cuộc đời tất bật làm việc, gắn bó và say mê cùng âm nhạc của mình, GS-TS-nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam ghi dấu ấn với bao thế hệ học trò, đồng nghiệp, bạn bè, người thân là một người thầy dạy nhạc hiền lành, thông minh, vui tính, dí dỏm, là một giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ tài năng, tâm huyết, nổi tiếng và là nhà soạn nhạc Việt Nam đầu tiên có nhiều tác phẩm được công diễn tại nhiều nơi trên thế giới.
Với sự nghiệp sáng tác âm nhạc, ông là một nhạc sĩ viết nhiều và thành công về khí nhạc. Về giao hưởng, ông có các tác phẩm: Giao hưởng số 1 - Tặng đồng bào miền Nam anh dũng (1972), Giao hưởng số 2 - Uống nước nhớ nguồn (1974), Giao hưởng số 3 - Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh (1975), Giao hưởng số 4 - Giao hưởng Ađưks (1986), Giao hưởng số 5 - Mẹ Việt Nam (1994), Giao hưởng số 6 - Sài Gòn 300 năm (1998), Giao hưởng số 7 - Chuyện nàng Kiều (2000), Giao hưởng số 8 - Đất nước quê hương tôi (2003), Giao hưởng số 9 – Cửu Long dậy sóng (2012). Ngoài ra, ông còn viết giao hưởng thơ, tổ khúc giao hưởng, kịch múa, nhạc thính phòng, hợp xướng, ca khúc nghệ thuật…
Ông được trao tặng Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Vàng Hội diễn ca nhạc năm 1995 với tác phẩm vũ kịch Huyền thoại Mẹ, Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam bản Giao hưởng số 8 - Đất nước quê hương tôi, UBND TPHCM trao tặng giải thưởng cho độc tấu sáo và dàn nhạc Miền đất thiêng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng giải thưởng cho bản giao hưởng Nhật ký trong tù, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Giải thưởng Âm nhạc, giải đặc biệt cho các tác giả, nhạc sĩ khu vực phía Nam…
GS-TS-nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2007, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam…
Tang lễ GS-TS-NS Nguyễn Văn Nam tổ chức tại nhà riêng, số 20 đường 29, phường Tân Kiểng, quận 7. Lễ nhập quan vào lúc 11 giờ ngày 17-5-2020. Lễ viếng tại nhà riêng vào lúc 13 giờ ngày 17-5-2020. Đến 11 giờ 30 phút ngày 18-5-2020, di quan đến Nhà tang lễ TPHCM số 25 Lê Quí Đôn, quận 3 và tổ chức lễ viếng sau 12 giờ. Đến 9 giờ ngày 19-5-2020, linh cữu của ông sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương. |