(SGGP).- Ngày 10-8, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, sau khi ngân hàng này ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; đã có nhiều thắc mắc của người dân liên quan đến quy định khi vay vốn chương trình này.
Cụ thể, khi vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội, người vay vốn phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại ngân hang này với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn. Dư luận cho rằng quy định đang gây khó cho đối tượng được vay vốn là người thu nhập thấp. Về vấn đề này, Ngân hàng Chính sách xã hội lý giải, cơ sở để đưa ra quy định là theo khoản 2, Điều 74, Luật Nhà ở số 65/2014/QH13: “Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định”.
Khoản 5, Điều 13, Chương III Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”. Trên cơ sở thực tế điều kiện tài chính của người vay và chia sẻ khó khăn với người vay, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay, người vay vốn chỉ phải đáp ứng đủ điều kiện thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn chứ chưa phải thực hiện gửi tiết kiệm sau một thời gian nhất định mới được vay như Luật Nhà ở cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội được làm.
Điều kiện này được hiểu như sau, kể từ khi khách hàng ký hợp đồng vay vốn, khách hàng phải gửi tiền tiết kiệm tối thiểu 12 tháng. Ví dụ, nếu hàng tháng khách hàng có dự định trả 5 triệu đồng tiền vay thì số tiền gửi tiết kiệm cũng tối thiểu bằng 5 triệu đồng. Mặt khác, số tiền 12 tháng gửi tiết kiệm đó với lãi suất Ngân hàng Chính sách xã hội đang đề nghị bằng lãi suất vay vốn sau này hết thời gian ân hạn thì sẽ chuyển sang “trích thu nợ gốc, thu lãi theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng vay vốn giữa người vay vốn và Ngân hàng Chính sách xã hội”. Chính vì thế, Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định những quy định trên không tạo thêm khó khăn nào cho người vay vốn.
HÀM YÊN