Hà Nội: Cước taxi đua nhau giảm giá

Đua nhau “down” cước
Hà Nội: Cước taxi đua nhau giảm giá
Hà Nội: Cước taxi đua nhau giảm giá ảnh 1

Sau khi tăng giá cước lên tới 15%-17% so với mức cước cũ, nhiều xe taxi đành nằm ngủ bãi vì không còn mấy khách hào hứng đi xe nữa

(SGGP 12G).- Chỉ sau 1 tuần áp dụng mức cước mới để “sống chung” với giá xăng dầu tăng lên 31%, đến sáng nay, 5-8, hàng loạt hãng taxi ở Hà Nội lại đồng loạt giảm cước xuống chỉ còn một nửa so với mức tăng cách đây vài ngày hoặc so với kế hoạch, lộ trình tăng cước. Vì sao?

Đua nhau “down” cước

Trước đó, từ thời điểm ngày 25-7 đến 2-8, trong khi một số hãng taxi ở thủ đô vẫn chủ trương giữ nguyên mức cước hoặc chỉ tăng thêm 1.000-1.500đ/km để “giữ chân”, “níu kéo” khách thì hàng loạt hãng taxi khác lại đua nhau đẩy mức cước lên trung bình 10%-15%, một số hãng còn đẩy lên tới 20%-22%.

Nhiều chuyên gia về kinh tế cho rằng, đây có thể là một hành động “tát nước theo mưa” từ giá xăng dầu. Và ngay sau đó, việc này đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của khách hàng và cả cơ quan quản lý ở Hà Nội.

Cho đến chiều qua, 4-8, bất ngờ các hãng lại quyết định giảm giá cước. Taxi Phù Đổng cho biết đã điều chỉnh mức tăng giá cước giảm xuống chỉ còn 12%. Theo đó, xe 4 chỗ chạy 20km đầu tính 8.500đ/km, những cây số sau tính 6.100đ/km (trước đó là 5.000đ). Tương tự, Taxi Thăng Long cũng giảm mức tăng giá cước xuống chỉ còn 12%. Loại xe 4 chỗ, mức cước mới áp dụng cho 25km đầu là 9.200đ/km và những cây số sau là 7.000đ/km. Taxi Vạn Xuân cũng đã giảm từ mức tăng 20% cách đây 1 tuần xuống còn 13%.
 
Đến nay hàng loạt hãng taxi khác cũng đã kéo giá cước xuống mức có thể tạm chấp nhận được, như hãng Ba Sao, Phù Đổng, Thành Nam, Việt Thanh… Hiện tại, các hãng này đều đã chỉnh lại giá trên đồng hồ cước từ 15%-17% xuống chỉ còn 12% so với cước cũ. Hãng Mai Linh cũng đã quyết định giảm 1.500-2.000đ/km. Một tuần trước, giá cước xe 4 chỗ của hãng này là 11.500đ/km (cho 30km đầu tiên) và 8.500đ/km đoạn đường tiếp theo. Ngay cả một số hãng taxi sân bay như Airport Taxi cũng đã điều chỉnh mức tăng từ 15% theo dự tính xuống chỉ còn 10%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái đua nhau giảm cước taxi của các hãng bắt nguồn từ 3 lý do: Thứ nhất là có chỉ đạo bình ổn giá của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai là do mức cước quá cao nên lượng khách ngày càng giảm đi rõ rệt. Thứ ba, vẫn có nhiều hãng chủ trương không tăng giá hoặc chỉ tăng ở “biên độ” nhỏ khiến các hãng đã tăng cao tới 15%-20% hoặc hơn buộc phải “tự nhìn lại mình”.

Thế nhưng, đó mới chỉ là những điều chỉnh về giá cước để cạnh tranh và tồn tại của các hãng taxi. Còn quyền lợi của hàng ngàn lái xe taxi trong việc tăng giá cước thì hầu như vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Hơn thế, họ còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do việc tăng giá cước gây ra…

Lái xe bức xúc

Anh Vũ, một tài xế của hãng Airport Taxi tiết lộ, kể từ khi tăng mức cước lên tới 15%, lượng khách đi taxi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội đã giảm chỉ còn một nửa so với trước đây. Anh Hải, một tài xế của hãng taxi Phù Đổng, cho biết: “Bây giờ để kiếm được vài trăm ngàn đồng một ngày rất khó vì họa hoằn lắm mới có một người kêu taxi”. Bởi thế, rất nhiều lái xe taxi đang tính đến chuyện “giải nghệ”. Rất nhiều lái xe cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh taxi cần phải điều chỉnh lại mức ăn chia với lái xe, gánh chịu giúp họ một phần cho phí xăng dầu tăng thêm so với trước đây, nếu không thì anh em không thể sống được.

Theo anh Lâm, một lái xe của hãng Taxi Hà Nội, việc tăng giá cước thực ra chỉ có lợi cho công ty mà thôi. Anh tính: “Trước đây, chẳng hạn một ngày chúng tôi chạy được tổng doanh thu là 700.000đ. Trong đó, tính theo tỷ lệ 45-55 (lái xe ăn 45% còn công ty ăn 55%, nếu lái xe muốn ăn tỷ lệ cao hơn thì phải đạt doanh thu từ 701.000đ trở lên và tỷ lệ này quy định không thống nhất ở các công ty khác nhau) thì lái xe chỉ được ăn 315.000đ/ngày. Sau khi trừ tiền mua xăng (vì lái xe đều phải gánh tiền mua xăng) khoảng 200.000đ thì chỉ còn hơn 100.000đ bỏ túi”.

Anh Phương, lái xe của hãng Sao Việt cho rằng, để đủ sống thì mỗi lái xe taxi phải đạt doanh thu từ 1,2-1,5 triệu đồng/ngày và đó là con số có nằm mơ cũng không được trong bối cảnh người dân đang triệt để tiết kiệm hiện nay .

Doanh nghiệp phải cẩn trọng khi tăng cước

Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - không tán đồng cách tính của Sở GT-VT Hà Nội và cho rằng tăng giá cước taxi là tình huống bất khả kháng hiện nay. Song ông cũng thừa nhận là các doanh nghiệp chỉ nên tăng ở mức 10% là hợp lý và đã có lợi nhuận. Ông Bình cho rằng, việc tăng mức cước như thế nào, các doanh nghiệp phải tính toán một cách cẩn trọng để đảm bảo cân đối giữa việc thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ taxi và doanh thu của doanh nghiệp. Bất cứ một sự tăng cước quá đáng nào đều không có lợi và khách hàng sẽ tẩy chay. Giải pháp hiện nay là các hãng phải tự tiết kiệm tối đa chi phí và các khoản không thực sự cần thiết, tăng thời gian khấu hao xe để hạ giá thành.

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục