Hà Nội phải chấm dứt sự trì trệ, tạo môi trường đầu tư năng động

Đã có 70 nhà đầu tư đăng ký vào 52 dự án với 300.000 tỷ đồng
Hà Nội phải chấm dứt sự trì trệ, tạo môi trường đầu tư năng động

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

(SGGPO).- Sáng nay 4-6,  Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển" đã diễn ra tại Khách sạn Lotte, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng lãnh đạo cấp cao của các bộ, ngành; cơ quan Trung ương, cùng đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trải qua 30 năm đổi mới, Hà Nội đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế thủ đô tăng trưởng liên tục ở mức khá cao với tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân đầu người năm 2015 đạt 3.660 USD, tăng gấp 6,36 lần so với năm 1990. Các thành phần kinh tế đều phát triển mạnh mẽ.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển thủ đô thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực, Hà Nội cam kết phát triên kinh tế nhanh, bền vững, đồng thời chú trọng đến an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường; đảm bảo sự công bằng, nhanh chóng, thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp -  Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định. Đặc biệt, Hà Nội quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển và hiện thực hóa các cơ hội trong hội nhập quốc tế, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Sau phát biểu của ông Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trình bày định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; những lợi thế của Hà Nội; những giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo động lực để thúc đẩy, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; giới thiệu danh mục các dự án đầu tư mà thành phố Hà Nội sẽ triển khai trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Chúng tôi chân thành mời gọi và sẵn sàng hợp tác với tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư đã, đang và sẽ quan tâm tới tiềm năng, lợi thế và chung tay cùng xây dựng Hà Nội xứng tầm là thủ đô của một quốc gia hòa bình, hữu nghị, năng động và phát triển, thực sự trở thành điểm đến đầu tư an toàn và thành công của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Hà Nội, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Là trái tim của cả nước, Hà Nội hội tụ mọi tiềm năng và cơ hội phát triển thành thủ đô xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại và chúng ta bước đầu đã đạt được kết quả ấy. Tuy nhiên để phát huy được tiềm năng phát triển nói trên, đặc biệt là tiếp cận cơ hội mới, nhất là các hiệp định quốc tế, khu vực ASEAN, TPP…. Hà Nội vẫn còn môi trường đầu tư kém thông thoáng, khả năng tiếp cận đất đai, bộ máy hành chính nặng nề, kém năng động, hiệu quả chưa cao trước sức ép của hội nhập, tình hình kinh tế trong nước và ngân sách với vai trò là đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Nhân dân Hà Nội cần quyết liệt hành động giữ gìn bản sắc, chấm dứt sự trì trệ trong hành động, nhất là tạo môi trường đầu tư tốt, năng động, hiệu quả như ý kiến của đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nêu.

 Đã có 70 nhà đầu tư đăng ký vào 52 dự án với 300.000 tỷ đồng

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 của thành phố là: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5%-9,0%; GRDP bình quân/người: 6.700-6.800 USD; Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng: 13%-14%/năm). Trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%; Năng suất lao động xã hội tăng bình quân: 6,5%/năm; Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo 70 - 75%; Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, ngay tại hội nghị này, đến thời điểm hiện tại đã có 70 nhà đầu tư gửi công văn đăng ký vào 52 dự án thuộc danh mục các dự án kêu gọi đầu tư thành phố đưa ra, với tổng vốn đầu tư khoảng 300.000 tỷ đồng.

Cũng tại sự kiện, lãnh đạo TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 36,9 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng gần 1,7 tỷ USD, trong đó có 7 dự án FDI - tổng số vốn đầu tư trên 15 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 700 triệu USD) và 16 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 22 nghìn tỷ đồng (tương đưởng khoảng 1 tỷ USD) trong các lĩnh vực: viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục