Hà Nội yêu cầu các trường không thu tiền “giữ chỗ”

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường không thu tiền "giữ chỗ". Đây là khoản thu thời gian qua gây bức xúc dư luận khi lên đến 20 triệu đồng, diễn ra ở các trường ngoài công lập.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các trưởng phòng GD-ĐT; hiệu trưởng các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học; giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; thủ trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có liên kết giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, yêu cầu nghiêm túc thực hiện công tác tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024-2025 trên địa bàn thành phố.

1.JPG
Nhiều học sinh ở Hà Nội khá vất vả để có được chỗ học lớp 10 công lập

Văn bản nêu rõ, thời gian qua, Sở GD-ĐT Hà Nội nhận được thông tin phản ánh một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tổ chức công tác tuyển sinh năm học 2024-2025 khi sở chưa ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh, trong đó một số trường yêu cầu nộp tiền “giữ chỗ” hoặc thu hồ sơ của học sinh gây khó khăn, bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Để triển khai công tác tuyển sinh bảo đảm nghiêm túc, chính xác, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch và đúng quy chế, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 THPT năm học 2024-2025 trên địa bàn TP Hà Nội.

Sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2024-2025, phòng GD-ĐT chủ động tham mưu UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh trên địa bàn theo đúng quy định; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện đúng kế hoạch và phương thức tuyển sinh đã được phê duyệt; bảo đảm công tác tuyển sinh được thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định, công khai, minh bạch, đúng quy chế; bảo đảm công bằng, thuận lợi cho học sinh.

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường chỉ đạo và tổ chức tuyển sinh theo đúng kế hoạch, phương thức và thời gian tuyển sinh sau khi có văn bản hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024-2025 của sở; thực hiện công khai theo quy định của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở GD-ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục không thu (giữ) hồ sơ của học sinh nếu học sinh không có nguyện vọng theo học tại trường; không được yêu cầu học sinh hoặc cha mẹ học sinh nộp tiền “giữ chỗ” hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng quy định, gây khó khăn, bức xúc cho học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ phối hợp các đơn vị liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Hà Nội luôn có tình trạng “căng thẳng” trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là vào lớp 10. Vì hệ thống công lập chỉ đáp ứng nhu cầu học công lập cho trên 60% học sinh, do đó nhiều gia đình phải cho con học tư thục. Tuy nhiên, những năm gần đây, để có chỗ học tư thục, nhiều gia đình phải “trắng đêm” xếp hàng để đăng ký học cho con. Nhiều gia đình trước đó cũng phải nộp tiền “giữ chỗ” cho con ở những trường tư thục.

Lo sợ nếu chờ kết quả thi vào lớp 10 công lập, con không đỗ mới đăng ký vào trường tư thục sẽ “hết chỗ”, nhiều gia đình chấp nhận nộp khoản tiền “giữ chỗ” này. Nhiều em sau khi đỗ công lập, học trường công thì chấp nhận mất khoản tiền “giữ chỗ” này, vì chỉ số ít trường trả lại.

Theo các trường tư thục, việc họ yêu cầu nộp tiền “giữ chỗ” nhằm hạn chế tỷ lệ ảo, gây khó khăn trong công tác tuyển sinh; đồng thời để các gia đình cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Tuy nhiên, mức phí “giữ chỗ” cao cũng khiến phụ huynh bức xúc.

Tin cùng chuyên mục