Do thời tiết mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường bị ngập nên lễ khai giảng được các trường tổ chức ngắn gọn, hình thức đơn giản trong hội trường, lớp học, hành lang có mái che, nhà chức năng của trường và trụ sở UBND các xã...
Mặc dù không tưng bừng như các năm trước, không gian chật hẹp, thiếu tiện nghi, nhưng nhìn chung lễ khai giảng đều diễn ra nghiêm túc, đầy đủ đúng các nghi thức như đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát quốc ca, đọc thư chúc mừng năm học mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nhiều tiết mục văn nghệ...
Theo lãnh đạo Trường THPT Nghèn, mưa lũ nên việc tổ chức lễ khai giảng của trường gặp nhiều khó khăn do phải thay đổi kế hoạch tổ chức đột ngột. Trường tổ chức phần lễ ngắn gọn để học sinh kịp về trước khi nước lũ dâng cao hơn. Do hội trường nhỏ chứa được vài trăm người nên nhà trường chỉ mời một số lãnh đạo tỉnh, huyện, Sở GD-ĐT, cán bộ, giáo viên nhà trường và đại diện bí thư, lớp trưởng các lớp đến dự. Còn lại hơn 1.500 học sinh phải ở lại trong lớp chờ cô giáo chủ nhiệm sau lễ khai giảng trở về lớp triển khai nhiệm vụ năm học mới.
Ngày 5-9, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều tuyến đường bị chia cắt, cô lập nên toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 300 trường ở 5 địa bàn dừng tổ chức khai giảng, trong đó: Huyện Hương Khê 61 trường với hơn 26.000 học sinh; Hương Sơn 78 trường với hơn 26.000 học sinh, Vũ Quang 32 trường với hơn 6.000 học sinh, TP Hà Tĩnh 49 trường với hơn 24.000 học sinh, Thạch Hà 45/76 trường với hơn 14.000 học sinh, Can Lộc 26/58 trường với hơn 12.500 học sinh...
Thủ tướng đề nghị bảo đảm an toàn cho học sinh vùng mưa lũ miền Trung Ngày 5-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi đồng bào, chiến sĩ và các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Thủ tướng viết: trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế liên tiếp có mưa lớn, tổng lượng mưa nhiều nơi lên tới trên 1.000 mm, gây ngập lụt trên diện rộng tại nhiều khu vực thấp trũng, thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Với sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, các lực lượng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn từ Trung ương tới cơ sở và sự chủ động ứng phó của nhân dân đã làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đồng chí, đồng bào, lực lượng phòng, chống thiên tai đã vượt qua mọi khó khăn, không quản ngại hiểm nguy, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân và đặc biệt cho các cháu học sinh nhân dịp khai giảng. Thủ tướng cũng nêu rõ, thời gian tới, thiên tai có thể còn phức tạp, khó lường, tôi đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các lực lượng phòng, chống thiên tai và toàn thể nhân dân tiếp tục chủ động làm tốt hơn nữa công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, trong đó cần tập trung kiểm soát rủi ro thiên tai. Đặc biệt bảo đảm an toàn cho các cháu học sinh nhân dịp đầu năm học mới, chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo đảm cuộc sống cho người dân vùng bị ngập lũ, chia cắt, không để người dân bị thiếu lương thực, thuốc men, đói, rét, tổ chức vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất và cơ sở hạ tầng ngay sau khi lũ rút. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng chia sẻ những khó khăn của chính quyền và nhân dân vùng ngập lũ. Tôi đề nghị các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái để cùng chung tay ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục thiệt hại, đảm bảo sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. |