Lịch sử nước Nga đã bắt đầu một trang mới bằng thể chế 2 nhà lãnh đạo chưa từng có trước đây. Từ nay, quyền quyết định để đưa nước Nga đi lên sẽ phụ thuộc vào cả Tổng thống D.Medvedev lẫn Thủ tướng V.Putin.
Giới nghiên cứu phân tích quốc tế đánh giá theo nhiều góc độ khác nhau về vị trí của ông Putin, song tất cả đều nhất trí một điểm là ảnh hưởng của Putin đối với chính trường Nga sau khi ông thôi giữ chức tổng thống vẫn rất lớn bởi đa số người dân Nga đều dành tình cảm nhất định cho những đóng góp của ông trong suốt những năm qua. Còn về tân Tổng thống Medvedev, trách nhiệm bảo đảm đưa nước Nga đi lên là rất nặng nề. Áp lực về duy trì sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia luôn cần sự thống nhất trong bộ máy chính trị, bao gồm cả quốc hội lẫn chính phủ. Việc thực hiện sự tự quyết trong lúc “vạn sự khởi đầu nan” sẽ vô cùng khó khăn và thậm chí có kết quả ngược lại, nên thể chế 2 nhà lãnh đạo cùng xây dựng nước Nga được xem là biện pháp tối ưu.
Chính sách chủ yếu mà Nga sẽ thực hiện trong kỷ nguyên lãnh đạo mới sẽ là quân sự và năng lượng. Sức mạnh quân sự được thể hiện ngay trong ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít 9-5, Nga tổ chức một buổi duyệt binh quy mô nhất kể từ 20 năm qua. Việc phô trương các loại xe tăng thế hệ mới cùng tên lửa đạn đạo trong cuộc diễu binh này không chỉ mang ý nghĩa chúc mừng tân Tổng thống Medevdev mà còn để kêu gọi lòng yêu nước của người dân, xác định mục tiêu khôi phục vị thế cường quốc của Nga bằng thể chế hai nhà lãnh đạo.
Trong chính sách năng lượng, Tổng thống Medevdev - người từng là Giám đốc Công ty Dầu khí Gazprom của Nga - sẽ lựa chọn Kazakhstan, cường quốc dầu mỏ của Trung Á và Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của mình. Mục đích chuyến thăm là thắt chặt quan hệ trên cơ sở hợp tác năng lượng của Nga với các quốc gia này, từ đó tiến tới việc phối hợp cùng giải quyết những vấn đề quốc tế.
Theo các nhà phân tích Trung Quốc, có vẻ như chính sách đối ngoại nước lớn của cựu Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó có cả quan điểm của Mátxcơva đối với Trung Quốc, vẫn sẽ tiếp tục được duy trì trong 4 năm tới. Ông Medvedev từng có thời kỳ dài tham gia thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga dưới thời kỳ của Tổng thống Putin. Do đó nhiệm kỳ của Tổng thống Medvedev sẽ tạo thêm lòng tin cho mối quan hệ giữa hai nước. Tổng thống mãn nhiệm Putin được coi là người sáng lập ra chiến lược quan trọng thúc đẩy quan hệ Nga-Trung phát triển và tân Tổng thống Medvedev sẽ là người tiếp tục thực thi chiến lược này.
Nước Nga hiện nay mạnh hơn rất nhiều so với những năm trước đây và Nga có vị trí nổi trội hơn phương Tây trong việc giải quyết hai vấn đề nóng bỏng trên thế giới là lương thực và dầu lửa. Những chủ trương đối nội, đối ngoại của ông Medvedev rất phù hợp với chính sách trước đây của ông Putin, và như vậy có thể tin rằng Nga sẽ phát triển theo hướng hai nhà lãnh đạo cùng thống nhất để thực hiện những quyết định mang lại lợi ích cho nước Nga. Hy vọng “đoàn tàu nước Nga” sẽ vượt qua những dốc đèo khó khăn khi có “hai đầu tàu” cùng lao về phía trước.
VIỆT ANH