Hai kịch bản cập nhật cho kinh tế Việt Nam ​

Trong kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10-2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất – kinh tế ở mức bình thường. Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,9%.

Sáng 15-7, Hội thảo trực tuyến “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Hai kịch bản cập nhật cho kinh tế Việt Nam ​ ảnh 1 Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh điều hành hội thảo 

Theo báo cáo cùng tên do nhóm nghiên cứu CIEM thực hiện, bước vào đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, những đợt dịch với những diễn biến khá phức tạp, nhất là đợi dịch thứ 4 từ cuối tháng 4 đến hết quý II, đã gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.

Từ nhận định đó, báo cáo đã cập nhật kết quả dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 theo hai kịch bản.

Trong kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10-2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất – kinh tế ở mức bình thường.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8-2021, và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức cao hơn.

Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,9% theo kịch bản 1, và 6,2% trong kịch bản 2.

Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4% trong kịch bản 1 và tăng 18,3% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,2 tỷ USD và 5,4 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 2,6% và 2,8%.

Đáng lưu ý, báo cáo đưa ra một số đánh giá và định hướng chính sách với vấn đề di cư trong nước ở góc độ giới. Thực tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, kéo theo thay đổi cơ cấu lao động và gia tăng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị.

Trong quá trình đó, những vấn đề liên quan đến lao động di cư, thu nhập, và các vấn đề xã hội của người di cư ở góc độ giới được nhìn nhận và phân tích.

Báo cáo cũng đề xuất chính sách nhằm lồng ghép các yếu tố giới trong tái cơ cấu kinh tế, nhấn mạnh đến hạ tầng (cả cứng và mềm) đối với các địa phương tiếp nhận lao động di cư và cả địa phương có lao động xuất cư.

Tin cùng chuyên mục