Hai thủy điện lớn trên sông Đà cùng xả lũ

Ngày 7-7, hai thủy điện lớn trên sông Đà là Sơn La và Hòa Bình đã cùng đồng thời mở cửa xả đáy về hạ lưu để giảm lưu lượng nước trên hồ chứa theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.


Tại tỉnh Hòa Bình, đúng 8 giờ sáng 7-7, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã mở 1 cửa xả đáy. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tập trung tại hạ du đập thủy điện để chứng kiến thủy điện Hòa Bình xả lũ. Để chủ động giảm thiểu thiệt hại do việc xả lũ trực tiếp từ hồ Hòa Bình xuống hạ du TP Hòa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức di chuyển các hộ làng chài trên sông Đà tới địa điểm an toàn.

Cùng thời điểm, tại tỉnh Sơn La, Nhà máy Thủy điện Sơn La đã mở 1 cửa xả đáy và vận hành 6 tổ máy phát điện để giảm lưu lượng nước trên hồ Sơn La.

Theo báo cáo của thủy điện Sơn La, lưu lượng nước về hồ chứa vào sáng 7-7 là khoảng 2.600m³/giây, tổng lưu lượng chạy máy của 6 tổ máy là 2.700m³/giây, lưu lượng xả tràn 1 cửa khoảng 1.700m³/giây. Tổng lượng xả hiện tại qua đập thủy điện Sơn La là gần 4.500m³/giây.

Trước khi thực hiện mở 1 cửa xả, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người dân sống ở hai bên bờ sông Đà về việc xả lũ hồ chứa, đặc biệt là rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình và tài sản vùng hạ du, di chuyển lồng bè nuôi thủy sản vào nơi an toàn. Công ty Thủy điện Sơn La cũng đã có văn bản gửi các địa phương để thông báo phạm vi ảnh hưởng của việc xả lũ để người dân chủ động phòng tránh lũ. Sáng 7-7, công ty còn tổ chức đoàn thuyền đi dọc sông Đà để thông báo cho người dân ở từng thôn bản bằng tiếng Kinh và tiếng Thái về thông tin xả lũ hồ thủy điện.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng cho biết đã cử đoàn công tác tới tỉnh Hòa Bình để kiểm tra, đôn đốc kế hoạch xả lũ, di chuyển lồng bè trên sông, đặc biệt là đối với các nhà bè và lồng nuôi trồng thủy sản ở TP Hòa Bình thuộc hạ lưu đập thủy điện để tránh thiệt hại do nhiều năm không xả lũ đầu mùa, rút kinh nghiệm đợt xả lũ năm 2017 đã làm nhiều lồng bè cá của bà con bị thiệt hại.

Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 7-7 nắng nóng đã chấm dứt ở miền Bắc, nhiều nơi bắt đầu có mưa, nền nhiệt giảm nhanh. Cụ thể, mưa tập trung ở khu vực vùng núi Tây Bắc với lượng mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Mù Cang Chải (Yên Bái) 77mm, Lục Yên (Yên Bái) 89mm, Bắc Quang (Hà Giang) 37mm, Trùng Khánh (Cao Bằng) 51mm…

Dự báo đến ngày 9-7, ở khu vực đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa, có nơi mưa to; khu vực vùng núi và trung du phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn có mưa rất to, thời gian có mưa to đến rất to tập trung vào đêm và sáng. Trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Tuy nhiên ở các tỉnh Trung bộ vẫn tiếp tục có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ lúc 13 giờ chiều 7-7 phổ biến trong khoảng 36-38°C, có nơi cao hơn như: Quỳ Hợp (Nghệ An) 38,1°C, Đô Lương (Nghệ An) 38,6°C...

Ngày 8-7, ở các tỉnh Trung bộ từ Quảng Bình đến Phú Yên tiếp tục xảy ra nắng nóng diện rộng, với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 34 - 37°C, có nơi cao hơn. Thời gian có nhiệt độ trên 35°C sẽ diễn ra từ 11 giờ trưa đến 16 giờ chiều.      

Còn ở phía Nam, gió mùa Tây Nam đang gây ra mưa dông mạnh cho khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan; ở khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau đã có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh. Thời tiết Nam bộ còn tiếp tục diễn biến xấu, nhiều mưa hơn trong những ngày tới.

Tin cùng chuyên mục