Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo mới đây mang tên Winning in Asia của Công ty tư vấn kinh doanh Asialink Business, có trụ sở ở Melbourne (Australia).
Theo nghiên cứu của Asialink Business, chỉ có 7% thành viên hội đồng quản trị và các nhà điều hành cấp cao của 200 doanh nghiệp công hàng đầu Australia được coi là “có năng lực làm việc với châu Á”, bất chấp tiềm năng to lớn của khu vực này. Các số liệu nghiên cứu cho thấy xuất khẩu của Australia sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong 5 năm qua đã tăng 8,5% mỗi năm, chủ yếu là nhờ nhu cầu hàng hóa và các dịch vụ của nước này gia tăng. Báo cáo cho thấy các công ty lớn của Australia khi đa dạng hóa trên phạm vi quốc tế tạo ra nhiều giá trị hơn cho các cổ đông so với các công ty tập trung vào nội địa.
Cụ thể, 200 doanh nghiệp này tạo ra 34% doanh thu từ các nguồn nước ngoài, phần lớn đến từ lĩnh vực khai thác mỏ và nguyên vật liệu. Trong năm 2019, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nguyên vật liệu, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin đều tạo ra 70% hoặc cao hơn doanh thu của các công ty ở nước ngoài.
Tuy nhiên, khi phân tích khả năng làm việc với các nước châu Á của 1.705 lãnh đạo các doanh nghiệp, tỷ lệ trung bình của những nhà điều hành chỉ đạt 13,6%, thấp hơn nhiều so với mức 50% (được coi là “có năng lực làm việc với châu Á”). Các lãnh đạo doanh nghiệp tham gia nghiên cứu đạt điểm số cao nhất đối với những hiểu biết về các thị trường ở châu Á, song lại có điểm thấp nhất về khả năng thích nghi với văn hóa ở châu lục này. Thực tế 7 trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Australia hiện là các quốc gia châu Á, nhưng vẫn còn thiếu nhận thức về văn hóa đối với khu vực trong hội đồng quản trị và đội ngũ điều hành.
Theo tờ Sydney Morning Herald, hầu hết các công ty Australia hoạt động ở châu Á chỉ có sự hiện diện trong quan hệ đối ngoại hạn chế trong khu vực và đội ngũ của họ thường nhỏ hơn so với các đối tác Mỹ hoặc châu Âu. Trong khi đó, cái gọi là “năng lực làm việc với châu Á” không chỉ là việc có thể nói một ngôn ngữ cụ thể, mà còn là khả năng điều hướng hệ thống địa phương và thoải mái khi giao dịch với những người từ hệ thống đó. Do đó, nghiên cứu kêu gọi các doanh nghiệp Australia cần hiểu rõ hơn những yếu tố cần thiết để có thể cạnh tranh hiệu quả tại các thị trường châu Á. Vì khả năng điều hướng thành công các thị trường châu Á của các giám đốc và đội ngũ quản lý sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Australia đang chuyển mình từ chủ yếu xuất khẩu tài nguyên sang xuất khẩu dịch vụ.
Australia đang có nhu cầu phát triển thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường ngoài Trung Quốc và nhu cầu học hỏi từ các công ty đa quốc gia, các công ty công nghệ và các trường đại học châu Á. Khi các thị trường châu Á phục hồi sau đại dịch Covid-19, ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ hiểu được nhu cầu xây dựng kiến thức và kỹ năng phù hợp để hoạt động ở các thị trường châu Á là cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh hợp tác quốc tế sẽ trở nên quan trọng hơn trong một thế giới hậu Covid-19.