Hạn chế thiệt hại do thiên tai

Thời tiết trên cả nước đang có những diễn biến bất thường, thiên tai xảy ra nhiều nơi, nắng nóng kéo dài, hạn hán khốc liệt, trong khi đó lại có nơi xảy ra mưa to, lũ quét. Báo SGGP đã phỏng vấn ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, về giải pháp hạn chế thiệt hại do thiên tai.* PHÓNG VIÊN:
Hạn chế thiệt hại do thiên tai

Thời tiết trên cả nước đang có những diễn biến bất thường, thiên tai xảy ra nhiều nơi, nắng nóng kéo dài, hạn hán khốc liệt, trong khi đó lại có nơi xảy ra mưa to, lũ quét. Báo SGGP đã phỏng vấn ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, về giải pháp hạn chế thiệt hại do thiên tai.

* PHÓNG VIÊN:
Thưa ông, người dân lo ngại về tình hình thời tiết đang rất bất ổn, xảy ra thiên tai ở nhiều nơi trong nước. Đó là do những nguyên nhân gì?

* Thứ trưởng HOÀNG VĂN THẮNG: Ở Việt Nam có 19 loại thiên tai, trong số đó 2 thiên tai có tác hại lớn và xảy ra thường xuyên là bão và lũ lụt. Tại các tỉnh phía Bắc, trước đây cũng bị lũ lụt rất trầm trọng nhưng qua nhiều năm xây dựng, tu bổ hệ thống đê điều và làm các hồ lớn trữ nước vào mùa lũ, nên giảm được lũ lụt. Chịu tác hại thiên tai nặng nhất là khu vực miền Trung, thường bị bão và lũ tàn phá, ngoài ra còn thường bị hạn hán. Miền Trung sông ngắn và dốc nên khi mưa lớn, lũ về rất nhanh, các hồ nhỏ nên không đủ chứa nước điều tiết lũ. Lại thêm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây, rừng bị xâm hại nhiều, dù có cố gắng trồng rừng nhưng lớp phủ không đảm bảo để đưa nước mưa ngấm vào lòng đất, nên làm tăng nguy cơ và tác hại đổ nước lũ về hạ lưu. Trong việc phát triển đường giao thông, xây nền đường cao, cống thoát nước không đủ thoát lũ. Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai rất bất thường: bão có xu thế mạnh hơn, dày hơn; có năm mới tháng 2 đã có bão, năm nay hồi tháng 3 đang khô hạn lại đột ngột có lũ ở Quảng Ngãi. Ngoài bão và lũ lụt, nạn hạn hán và sạt lở đất cũng có xu hướng tăng lên. Ngoài những thiệt hại rất lớn về mùa màng, nhà cửa, tàu thuyền… thiên tai còn gây thiệt hại lớn về nhân mạng. Những năm trước, hàng năm có hơn 1.000 người chết vì thiên tai; những năm gần đây, thực hiện tốt các giải pháp hạn chế thiệt hại do thiên tai, nhưng số người chết hàng năm cũng khoảng 200 người.

Nhờ làm tốt công tác dự báo bão và liên lạc, cảnh báo, cung cấp thông tin cho ngư dân về thời tiết trên biển, ngư dân có thể ra tận ngư trường Trường Sa để đánh bắt hải sản.

* Đã có ý kiến cho rằng việc xây dựng các thủy điện khu vực miền Trung thiếu quy hoạch nên gây ra nhiều bất ổn như lũ và hạn hán?

* Dư luận như vậy, nhưng thực ra nhờ có các hồ thủy điện nên góp phần giảm lũ. Tại nhiều khu vực Nam Trung bộ, công trình thủy điện có hồ chứa nhỏ, việc phối hợp vận hành chưa hiệu quả nên đã có những bất ổn, gần đây việc vận hành đã tốt hơn. Nhờ có các hồ thủy điện và sự tham gia phối hợp đồng bộ của các đơn vị liên quan, lực lượng phòng chống thiên tai được tổ chức chuyên nghiệp hơn, trang thiết bị tốt hơn, nên thực hiện tốt việc xả nước lũ giúp chống hạn hán.

* Những giải pháp nào đã được thực hiện để hạn chế thiệt hại do thiên tai?

* Từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, huyện, xã đều có kế hoạch phòng chống thiên tai, triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình để phòng chống thiên tai. Về giải pháp công trình, đã xây dựng các hồ chứa nước quy mô lớn để chứa nước điều tiết lũ, mới đây nhất là hồ Tả Trạch với dung tích lớn để phòng chống lũ sông Hương. Nhiều địa phương cũng xây dựng đê kiên cố phòng chống lũ. Hệ thống hồ thủy lợi, trạm bơm thủy lợi để chống hạn, chống ngập úng. Về giải pháp phi công trình, việc phòng chống thiên tai đã nhận thức, tiếp nhận kinh nghiệm của thế giới, có đề án quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho nhân dân, đồng thời nâng cao năng lực cảnh báo sớm. Thí dụ trước đây chúng ta rất bị động trong việc phòng tránh bão, nay khi có bão xuất hiện trên Thái Bình Dương là chúng ta đã quan sát, thông tin kịp thời cho ngư dân trên biển và nhân dân vùng dự báo bão đổ bộ để trú an toàn, chằng chống nhà cửa. Khi xảy ra thiên tai, hệ thống chính trị ở các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, biết ứng phó nhanh nhạy, hiệu quả; các cán bộ lãnh đạo trực tiếp đến nơi chỉ đạo sát sao. Công tác cứu trợ nạn nhân thiên tai cũng rất kịp thời.

* Trước tình hình thiên tai diễn biến thất thường, các trang thiết bị, phương tiện phục vụ việc dự báo, hạn chế thiệt hại do thiên tai và ứng cứu đã đủ chưa, thưa ông?

* Công tác dự báo bão và các trang thiết bị để liên lạc, cảnh báo, cung cấp thông tin cho ngư dân về thời tiết trên biển đã khá ổn, song năng lực dự báo mưa còn bị động. Ngoài ra, cũng còn phải tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực của hệ thống trạm bơm, và nạo vét sông rạch.

* Trường Sa là nơi đầu sóng ngọn gió, nơi phải đối phó gay go với nguy cơ bão, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có giải pháp gì hỗ trợ ngư dân đánh bắt trong vùng biển Trường Sa và quân dân trên các đảo trong quần đảo Trường Sa?

* Nhà nước và các ngành chức năng liên quan đã quan tâm công tác liên lạc, dự báo thời tiết để ngư dân kịp thời về nơi trú bão; đầu tư xây dựng các âu tàu cho thuyền vào trú bão; nâng cao năng lực tổ chức cứu nạn trên biển; phân công bác sĩ trên các đảo để chữa bệnh cho ngư dân. Hiện nay Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân đầu tư trang bị tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ an toàn hơn. Với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi quan tâm hỗ trợ các đảo xây bể chứa nước ngọt, xây dựng các trạm lọc nước biển thành nước ngọt, nghiên cứu giữ nước mưa để tưới cây xanh trên các đảo.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục