Ít nhất 10 -12 ngân hàng có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
Đề án cũng đưa ra giải pháp phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam. Trong đó, nhóm giải pháp đối với NHNN trước hết là xây dựng và ban hành hướng dẫn để định hướng phát triển ngân hàng xanh cho các tổ chức tín dụng. Ban hành hướng dẫn về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh; trong đó nêu rõ định nghĩa của hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh, các tiêu chí đánh giá ngân hàng xanh. Nội dung bao gồm hệ thống các quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường xã hội; mô hình tổ chức để triển khai các hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng; tỷ trọng vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh cần ưu tiên hỗ trợ trong danh mục dự án xanh do NHNN ban hành. Đồng thời, NHNN ban hành hướng dẫn xây dựng báo cáo về ngân hàng xanh, tín dụng xanh, trong đó chi tiết các chỉ tiêu và yêu cầu bảo đảm những nội dung sau: Quản trị và cơ cấu tổ chức, hệ thống chính sách và năng lực tài chính, quản lý quy trình, kiểm soát nội bộ và công bố thông tin; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 11 ngành kinh tế còn lại trong tổng số 21 nhóm ngành chưa có hướng dẫn hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng; định kỳ cập nhật danh mục dự án xanh.
Đề án cũng nêu rõ giải pháp xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh; nghiên cứu các cơ chế và công cụ ưu đãi, hỗ trợ áp dụng cho các ngân hàng để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh (như xem xét ưu tiên nguồn vốn phát triển tín dụng xanh thông qua chính sách tái cấp vốn, tái chiết khấu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và mục tiêu lạm phát trong từng thời kỳ); xem xét ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển thông qua NHNN cho các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao.
Một giải pháp quan trọng nữa mà đề án nêu ra, đó là nghiên cứu triển khai một số giải pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0) để xanh hóa hoạt động ngân hàng. Chính phủ cũng yêu cầu tập trung xây dựng và thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội một cách toàn diện; thực hiện theo hướng dẫn của NHNN về đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Nghiên cứu thành lập đơn vị, bộ phận chịu trách nhiệm về việc triển khai quản lý rủi ro và quản lý, giám sát việc triển khai ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại ngân hàng.
Từng bước chuyển đổi các quy trình quản trị nội bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, cung cấp các dịch vụ tín dụng và thanh toán trong lĩnh vực thân thiện với môi trường… Xây dựng chính sách cho vay cụ thể đối với các lĩnh vực môi trường nhạy cảm như nông nghiệp, đồ da, năng lượng tái tạo, dệt may; theo dõi chặt chẽ và có biện pháp giảm dần việc cho vay đối với các hoạt động gây hại môi trường; phối hợp với đơn vị chức năng của NHNN trong việc xây dựng, triển khai, đánh giá và báo cáo về việc thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động ngân hàng xanh, tín dụng xanh của đơn vị; phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của NHNN và ngành môi trường để tiến tới xây dựng và hình thành hệ thống dữ liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp. Tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định, xác định mức độ rủi ro môi trường khi đánh giá khách hàng vay; từ đó hạn chế, giảm cấp các khoản vay cho hoạt động gây hại môi trường.