
Chỉ nhìn lướt qua cũng biết cô thuộc loại người đẹp đa sắc màu. Nếu nhuộm tóc hung, kẻ mắt xanh, cô giống như người đẹp vùng Đông Âu, ở Romania hay Hungary chẳng hạn. Nếu để tóc đen sơn môi tím cô giống Hàn Quốc. Cô bảo: “Nếu miệng tôi rộng hơn, mũi tôi cao hơn, mắt tôi xanh hơn chắc chắn giống hoa hậu Mỹ”.
Cô cười nửa miệng, nói lửng lơ. Lại diễn trò rầu rĩ, ai oán: “Nhưng những thứ đó không thể giải phẫu thẩm mỹ được”. Chẳng ai có thể thay đổi màu mắt hoặc cắt mép xẻo môi cho miệng rộng ra. Cô bảo, buồn 5 phút. Chẳng ai tin.
Cô là người hiếu động. Một cơ thể như được cấu tạo bằng thép inox luôn phát sáng. Mặc áo quần cỡ nào, màu nào, bất chấp dày mỏng ra sao, phần da thịt vẫn ngồn ngộn, thăm thẳm lộ ra. Đôi mắt là hai bóng đèn xe hơi hiệu Toyota loại sang trọng hiện đại nhất. Ai nhìn vào cũng phải hoang mang lo lắng bối rối toàn thân. Độ dốc của chiếc mũi có thể làm trôi tuột mọi thứ trên đời.

Người đẹp tên Na, Lê Thị Na. Sinh ra trong gia đình nền nếp tam đại đồng đường. Ông nội dạy học. Cha, mẹ cũng dạy học. Gia giáo kỷ cương mọi bề mọi nhẽ. Đàn bà con gái phải thùy mị nết na. Bởi thế, cô chị tên Nụ, cô em tên Na.
Nhưng rồi, cái tên Na nhanh chóng bị đẩy vào quên lãng. Chỉ sau hai tháng làm phóng viên, cái tên bút danh Hàn Phong đã trở nên phổ biến và gây ra đủ thứ chuyện vui, buồn cho hầu hết mọi người xung quanh. Cô đã có tiếng tăm trong giới viết lách khi còn ngồi trên ghế nhà trường với những sáng tác ngắn về tuổi teen, về những vấn đề văn hóa xã hội.
Cái tên Hàn Phong xuất hiện lần nào cũng gây ra những chấn động nho nhỏ. Chuyện thầy giáo dẫn “bồ nhí” chơi trong công viên bị học trò bắt gặp phải trốn trong bụi rậm bị kiến đốt sưng mặt. Chuyện anh cảnh sát giao thông say xỉn xử phạt người chạy xe cũng say xỉn. Hai người gây lộn, đánh nhau không phải vì chuyện giao thông mà vì chuyện “ông say, tôi không say”. Mọi người tò mò xúm lại xem làm tắc nghẽn giao thông... Những chuyện lặt vặt ngang trái, những thói hư tật xấu được bày ra trên báo khá sinh động. Giọng văn cũng khá đa dạng. Lúc nghiêm túc đĩnh đạc như quan tòa xử án, khi hài hước hóm hỉnh. Cũng có khi chua chát bông phèng... Dân trong làng báo và bạn đọc đều có chung nhận xét, tác giả những bài báo, sáng tác ấy phải là một đàn ông từng trải, một tay chuyên nghiệp giấu tên.
Hàn Phong chuyên viết về lĩnh vực văn hóa, du lịch. Ngay bài báo đầu tiên của cô đã gây chấn động. Bài báo dài 1.021 chữ có cái tít rất ấn tượng: “Đây là sự phá hoại”. Nội dung bài báo nói về việc trùng tu một ngôi chùa 500 năm tuổi. Ngôi chùa này được xếp hạng di tích lịch sử đặc biệt và được cấp kinh phí trùng tu để bảo quản những nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc và dấu ấn lịch sử.
Sau thời gian trùng tu với số tiền hàng trăm triệu đồng, ngôi chùa biến thành một ngôi nhà kho mái ngói đỏ chói uốn lượn quanh co chất đầy những tượng Phật bằng gỗ và những long, ly, quy, phượng đắp bằng xi măng. Mọi kiến trúc độc đáo ở kèo cột, mọi hoa văn tinh tế, mọi dấu tích lịch sử 500 năm của ngôi chùa bị xóa bỏ. Bài báo kết luận với lời khẳng định, đây là một sự phá hoại và yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, truy tố về tội phá hoại di tích.
Vào thời điểm ấy, báo chí còn hiền lành, e dè lắm. Thông tin hành chính các sự kiện, thông tin theo chỉ đạo cấp trên, theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền... là chính. Chuyện phóng viên tự điều tra vụ việc, phản bác lại việc làm của chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng nhà nước là một điều không bình thường, có thể coi là điên rồ. Cán bộ quản lý và Tổng biên tập kinh ngạc nhìn người đẹp như nhìn một vật kỳ lạ từ dưới đất chui lên: - “Thế này là thế nào?” - “Là đăng ngay, rao tít trang 1”.
Tổng biên tập là một nhà báo kỳ cựu, kinh nghiệm quản lý và năng lực nghiệp vụ báo chí thuộc loại “cao thủ”. Sự hỗn xược của cô bé mới vào nghề chưa đủ làm cho ông bị sốc. Ông cười bảo: - “Hay thế cơ à, để tôi đọc, tôi sẽ xử lý”. Hơn 10 năm lãnh đạo tờ báo, có thứ người dữ dằn nào mà ông không biết. Cái khó nhất trong lãnh đạo là lãnh đạo những kẻ cứng đầu. Và ông đã tìm ra được bí quyết “Nhập thủy công thành”. Ông cho rằng sức mạnh của nước là vô địch. Không có gì ngăn cản được sức nước. Ngăn cản dòng nước mạnh này phải dùng đến sức mạnh của dòng nước khác. Hỏa công phá thành là trung sách. Thủy công phá thành mới là thượng sách.
- “Phê bình một người đã phải cân nhắc thấu đáo, huống chi bài viết này phê bình cả chính quyền sở tại lẫn cơ quan văn hóa. Phải để tôi có thời gian suy xét chứ”. Tổng biên tập vui vẻ véo von như trẻ em hát đồng dao: “Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi; đến ngõ nhà Trời, lạy cậu lạy mợ...”. Trò câu giờ “để lâu cứt trâu hóa bùn” của ông không còn đất diễn. Người đẹp ranh con có tên “Hàn Phong” ra tối hậu thư bằng giọng nữ cao của ca sĩ Thanh Hoa với bài “Tàu em qua núi”...: - “Nếu ngày mai báo không đăng, báo khác đăng bài này, cháu sẽ làm lớn chuyện... Rất nhiều chuyện!”.
Tổng biên tập gặp phải đối thủ nặng ký. Đã đến lúc bộ óc điện tử với một loạt những bóng đèn cảm ứng nhiệt hoạt động hết công suất. “Không thể không đăng”. Kết luận của máy tính đưa ra rất rõ ràng. Vẫn dáng vẻ cưa sừng làm nghé hát đồng dao “rồng, rắn...”, ông bả lả: - “Người đẹp tuyệt vời. Tuyệt vời người đẹp. Cô đã làm cho người già hóa trẻ, nước đục hóa trong”.
Người đẹp nối theo với giọng điệu trữ tình sôi động như khúc dân ca “Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc...”: “Bố cháu luôn dạy cháu gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Tiếp xúc với chú, cháu sáng ra nhiều điều”.
Sếp Tổng đã qua tuổi tri thiên mệnh, biết rõ nhiều điều về người và việc, đủ tự tin để giải mã mọi thứ trên đời. Vậy mà với cô phóng viên trẻ Hàn Phong, ông vẫn như người mù chữ trước tấm bảng thông báo. Người ta hỏi: - “Vì sao lấy bút danh là Hàn Phong!”. Người đẹp nhí nhảnh trả lời như hát khúc dân ca “Khớp, con ngựa ô”: - “Hàn Phong là gió lạnh. Gió lạnh về, có thứ lạnh đi, có thứ nóng lên”.
- Khó hiểu?
- Khó thì thôi, gắng mà làm gì...
Người đẹp tung tăng, chọc ngoáy khắp nơi. Nay phê bình nhắc nhở người này, mai phê phán châm chọc chỗ nọ. Bút lực của cô đúng là thứ “hàn băng chưởng”. Không giống như những phóng viên “máu lửa” khác. Cách diễn đạt, văn phong của Hàn Phong rất lạnh, lúc thì tưng tửng khi thì lửng lơ... Là thứ cười mà không phải cười, khóc mà không phải khóc, chê cây bên Tây làm chết cây bên Đông. Danh tiếng Hàn Phong nổi lên cuồn cuộn. Tin, bài của cô thuộc loại đăng ngay, không gác. Một ông tòa soạn cậy thế lâu năm có lần cắt xén, sửa chữa. Ngay lập tức gió lạnh tràn vào: - “Cháu mới vào nghề, các chú dạy cho cháu biết những lý do phải cắt”.
Ông tòa soạn tháo kính để lên bàn, giải thích như diễn thuyết trước đám đông về tiêu chí của tòa soạn khi cắt tin bài. Sai lập trường quan điểm phải cắt. Chi tiết không rõ ràng, diễn đạt mơ hồ khó hiểu, cắt. Lan man dông dài làm loãng chủ đề, cắt... 1.001 lý do cắt của tòa soạn đều đúng, một nguyên tắc bất di bất dịch trong nghề làm báo. Hàn Phong vẫn tươi cười như nụ hồng mới nở, dịu dàng khoan nhặt như câu hát ru: - “Chú ơi, chú nói cụ thể trong bài viết của cháu cơ”.
Ông tòa soạn tự tin phán: - “Đoạn ấy không rõ ý tác giả, khen không ra khen, chê không ra chê. Lơ mơ, mù mờ, cắt là phải”.
Gió xoay chiều, cuồn cuộn nổi lên, lạnh thấu xương: - “Chú không hiểu hay cố tình không hiểu. Đoạn ấy dẫn giải sự nhập nhằng của mấy trò gian lận núp bóng chủ trương chính sách. Phải có đoạn ấy mới có được cái kết luận phải điều tra làm rõ đúng sai. Chú đã cắt toàn bộ tim gan khiến bài viết chỉ còn là cái xác chết. Lỗi ấy phải xử ra sao?”.
Ông tòa soạn bị “đông lạnh” suốt mấy ngày trời. Sự kiện ấy đã làm cho nội bộ tờ báo chia rẽ. Một số tán thành hoan nghênh thậm chí ngợi ca nhiệt liệt tác phong lề lối làm việc của Hàn Phong. Một số khác, trong đó hầu hết là cán bộ quản lý phản đối quyết liệt. Và cũng như mọi sự chia rẽ khác, luôn tồn tại một bộ phận trung dung, chẳng phản đối, chẳng hoan nghênh, chỉ cười hoặc nói lửng lơ “Để xem...”.
Những gã trai chưa vợ không dám bám theo để tỏ tình. Không có người săn đón giúp đỡ. Cái sự tẩy chay “không dám đâu” đã trở thành một hiện thực, một hiệu ứng dây chuyền. Tuy vậy, Hàn Phong không cảm thấy cô đơn, cô độc. Cô hớn hở bảo: “Cũng tốt, nhiều tự do hơn”. Ông bố than phiền, trách móc: - “Con dữ dằn như vậy, còn ai dám đến gần nữa”. Bà mẹ nói rõ hơn: - “Ở tuổi con nhiều người đã có con rồi đấy”. Cô vui vẻ nói: - “Bố mẹ yên tâm, đến năm 28 tuổi con sẽ lấy chồng cũng dạy học như bố mẹ và thôi nghề làm báo…”.
Chuyện xảy ra đúng như vậy. Đến năm 28 tuổi, cô thôi nghề làm báo khi có nhiều cơ hội trở thành lãnh đạo tờ báo. Cô lập công ty dịch vụ du lịch riêng và lấy một thầy giáo dạy văn làm chồng.
Từ đó nhà báo Hàn Phong biến mất khỏi xã hội. Chỉ còn bà chủ Lê Thị Na lúc nào cũng tươi cười hớn hở, dường như không biết buồn phiền day dứt là gì…
Những người thân quen đều nói: - Khó hiểu quá…
Bà chủ Na véo von bảo: - Khó thì thôi, gắng làm gì, để cái gắng ấy cho việc khác. Lại úp, mở nói cho thiên hạ biết đến năm 40 tuổi sẽ làm việc khác lớn hơn. Chờ xem...
3-2007
TRẦN VĂN TUẤN