Hàn Quốc tham gia ngành “kinh tế vũ trụ”

Vào sáng ngày 5-8 (giờ địa phương), Hàn Quốc lần đầu phóng tàu thăm dò Mặt trăng tự phát triển mang tên Danuri. Việc phóng thành công tàu Danuri đánh dấu bước tiến đầu tiên để Hàn Quốc tham gia nền “kinh tế vũ trụ” sau 6 quốc gia khác đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Tháng trước, tàu Danuri đã được đưa lên container chống rung đặc biệt để vận chuyển tới Trạm lực lượng không gian Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ) để tiến hành các công tác kiểm tra. Trong ngày 4-8, tàu Danuri được kết nối với tên lửa Falcon 9 và di chuyển tới bệ phóng. Đội ngũ kỹ thuật đã tiến hành kiểm tra lần cuối, tiếp nhiên liệu cho tên lửa đẩy trước khi thực hiện vụ phóng.

Tàu Danuri
Nhiệm vụ trên được coi là bước đầu tiên trong chương trình phát triển không gian của Hàn Quốc, bao gồm việc đưa robot hạ cánh xuống Mặt trăng năm 2030 và nhiệm vụ lấy mẫu vật tiểu hành tinh mang về Trái đất. Khối lượng khô của Danuri là 418kg, phần thân chính rộng 1,82m, dài 2,14m và cao 2,29m. Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) cho biết, Danuri có lợi thế là nhẹ hơn so với tàu quỹ đạo Mặt trăng của các nước khác, ví dụ Selene của Nhật Bản nặng 1.984kg hay tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng (LRO) của Mỹ nặng 1.018kg.

 Danuri sẽ mang theo tổng cộng 6 công cụ khoa học, 5 trong số đó được phát triển bởi các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Hàn Quốc, công cụ còn lại do NASA cung cấp. 6 công cụ bao gồm máy chụp ảnh địa hình Mặt trăng (LUTI), camera đo phân cực góc rộng (PolCam), từ kế KMAG, phổ kế tia gamma KGRS, thiết bị tải trọng thí nghiệm mạng chịu đựng gián đoạn DTNPL và camera độ nhạy cao ShadowCam của NASA để quan sát những phần tối nhất trên bề mặt Mặt trăng. Nếu vụ phóng diễn ra suôn sẻ, tàu Danuri sẽ đi qua không gian trong khoảng 4,5 tháng và ổn định trong quỹ đạo Mặt trăng vào tháng 12-2022.

Bay vòng quanh Mặt trăng 100km, tàu Danuri sẽ thực hiện các sứ mệnh khoa học, hỗ trợ việc đánh giá các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng như băng nước, uranium, helium-3, silicon và nhôm, tìm địa điểm hạ cánh cho tàu vũ trụ trên Mặt trăng, đo từ trường và tia gamma đồng thời thử nghiệm giao tiếp internet trên không gian. 

 Chính phủ Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào Danuri, hy vọng tàu thăm dò Mặt trăng này sẽ trở thành bước đệm cho các kế hoạch phát triển không gian của xứ Kim Chi. Chủ tịch KARI Lee Sang-ryool khẳng định: “Thông qua Danuri, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo công nghệ sẽ là trụ cột trong việc khám phá không gian của đất nước và đưa Hàn Quốc trở thành một trong 7 cường quốc không gian của thế giới”.

Ngoài việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu liên quan đến không gian, Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ mở ra kỷ nguyên của nền kinh tế vũ trụ, đồng thời giúp các khu vực công và tư nhân tạo ra lợi ích kinh tế thông qua nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ, các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến không gian.

 Kinh tế vũ trụ bao gồm các ngành công nghiệp sản xuất liên quan đến hàng không vũ trụ, khai thác các nguồn tài nguyên quý hiếm trên không gian và dịch vụ khai thác du lịch không gian. Các ngành liên quan đến vũ trụ đang thu hút nhiều sự chú ý vì tiềm năng phát triển rộng lớn của chúng. Ngân hàng đa quốc gia Bank of America từng dự đoán rằng ngành này sẽ tăng trưởng quy mô lên 1.400 tỷ USD vào năm 2030. 

Tin cùng chuyên mục