Hàng bình ổn giá đến với người dân ngoại thành

Còn khoảng vài tuần nữa là tới Tết Nguyên đán. Chương trình đưa hàng bình ổn giá đến tận tay người tiêu dùng được Sở Công thương TPHCM thực hiện rốt ráo. Riêng đối tượng bà con khu vực ngoại thành được tạo điều kiện thuận lợi mua hàng giá ưu đãi thông qua chương trình “Đưa hàng bình ổn vào chợ truyền thống”. Hiện tại, toàn TPHCM có 878 điểm bán hàng bình ổn giá, tập trung tại 151 chợ (truyền thống) được đông đảo người tiêu dùng đánh giá cao.
Hàng bình ổn giá đến với người dân ngoại thành

Còn khoảng vài tuần nữa là tới Tết Nguyên đán. Chương trình đưa hàng bình ổn giá đến tận tay người tiêu dùng được Sở Công thương TPHCM thực hiện rốt ráo. Riêng đối tượng bà con khu vực ngoại thành được tạo điều kiện thuận lợi mua hàng giá ưu đãi thông qua chương trình “Đưa hàng bình ổn vào chợ truyền thống”. Hiện tại, toàn TPHCM có 878 điểm bán hàng bình ổn giá, tập trung tại 151 chợ (truyền thống) được đông đảo người tiêu dùng đánh giá cao.

Chọn mua thực phẩm chế biến tại một cửa hàng Vissan bán hàng bình ổn giá tại quận Bình Tân. Ảnh: CAO THĂNG

Chọn mua thực phẩm chế biến tại một cửa hàng Vissan bán hàng bình ổn giá tại quận Bình Tân. Ảnh: CAO THĂNG

  • Dồi dào hàng tết

Theo Sở Công thương TPHCM, lượng hàng tham gia bình ổn thị trường Tết Nhâm Thìn năm nay chiếm từ 30%-40% nhu cầu thị trường, tăng khoảng 20% so Tết Tân Mão năm 2011. Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ trước, trong và sau tết tăng từ 3 - 4 lần so với kế hoạch và cam kết giữ giá ổn định trong dịp tết. Tổng nguồn vốn mà các doanh nghiệp dành cho chương trình bán hàng bình ổn khoảng trên 5.560 tỷ đồng.

Nguồn tin từ các siêu thị trên địa bàn TPHCM, lượng hàng chuẩn bị cung ứng dịp Tết Nguyên đán 2012 tăng từ 25%-30% so với tết năm ngoái. Đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart, bà Trần Thị Mai Trang, chuyên viên truyền thông cho biết: “Mãi lực dịp cận tết tăng khoảng từ 3 - 4 lần so với ngày bình thường. Bên cạnh đó, siêu thị chúng tôi cũng tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 4 lần “. Các mặt hàng cụ thể như: 9.000 tấn lương thực; 7.000 tấn thịt gia súc gia cầm; 1.000 tấn thực phẩm chế biến; 7.000 tấn rau củ quả… Bên cạnh đó, Co.op còn thực hiện bán hàng thông đêm từ ngày 28 Tết đến 29 Tết (Âm lịch) và bán hàng trở lại vào ngày mùng 2 Tết (Âm lịch).

Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, phụ trách truyền thông siêu thị Big C cho biết nguồn hàng tết được siêu thị chuẩn bị chu đáo. Từ cuối tháng 11-2011, Big C đã dự trữ trên 200 tấn bánh mứt, đồ hộp, hầu hết là hàng Việt Nam (chiếm 90%). Tiếp đến là hơn 600 tấn thịt nguội, 700 tấn rau củ quả các loại… Được biết, từ nay đến 22-1-2012, Big C sẽ giảm giá đến 50% đối với 3.000 sản phẩm mùa tết. Đồng thời, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, Big C thực hiện tăng thời gian bán hàng 2 giờ mỗi ngày thông qua mở cửa sớm hơn và đóng cửa trễ hơn 1 giờ so ngày thường. Bắt đầu từ mùng 3 Tết sẽ bán hàng trở lại.

Tổng giám đốc Công ty Vissan, ông Văn Đức Mười, khẳng định Vissan đã dự trữ 4.000 tấn thực phẩm. Trong đó bao gồm thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt tăng 30% so với tết năm ngoái, đồng thời cam kết giữ ổn định giá. “Chúng tôi muốn chia sẻ lợi nhuận cùng bà con trong thời điểm kinh tế khó khăn này” - ông Văn Đức Mười nói.

Riêng Công ty Chế biến thực phẩm Huỳnh Gia Huynh Đệ, ông Châu Nhựt Trung nói công ty đã dự trữ trên 100 tấn thịt gia cầm phục vụ Tết Nhâm Thìn. Ông Trung nhấn mạnh: “Công ty đủ cung ứng cho thị trường tết gấp đôi số lượng ngày thường”. Ngoài ra, công ty đã ký kết bao tiêu sản phẩm với các hộ chăn nuôi tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, với nguồn hàng khoảng 400 tấn gà, vịt.

Hàng loạt các siêu thị như: VinatexMart, Citimart, Maximark... cho rằng nguồn hàng phục vụ tết tại siêu thị không thiếu. Trong đó lượng hàng thực phẩm tươi sống tăng từ 30%-35% so với cùng kỳ.

Người dân chọn mua hàng bình ổn giá ở một cửa hàng Vissan tại quận 12. Ảnh: KIM NGÂN

Người dân chọn mua hàng bình ổn giá ở một cửa hàng Vissan tại quận 12. Ảnh: KIM NGÂN

  • Phủ khắp ngoại thành

Theo đánh giá của nhiều lãnh đạo các xã ngoại thành TPHCM, trước đây chương trình bình ổn giá không được bà con quan tâm. Tuy nhiên hiện nay, người dân hưởng ứng đặc biệt. Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè nói: “Năm nay, bà con rất háo hức mua hàng bình ổn giá cho ngày tết. Chúng tôi tin rằng chương trình sẽ thành công”. Được biết, sắp tới, tại Nhơn Đức sẽ đăng ký hai điểm bán hàng bình ổn, phục vụ nhu cầu sắm tết cho bà con.

Chị Lê Thị Mai, người dân bán tạp hóa tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cho biết: “Người dân, công nhân lao động… chuyển sang mua hàng tại Co.op Food nhiều hơn, khiến tôi buôn bán cũng ế ẩm”. Đây là một thực tế đáng ngạc nhiên so với vài năm về trước, khi mà người dân còn thờ ơ với chương trình bình ổn giá diễn ra rầm rộ khắp nơi. Đa số người lao động, khi được hỏi về hàng bình ổn đều cho rằng chương trình thiết thực, gần gũi hơn với người dân.

Anh Nguyễn Văn Lý, công nhân Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Những chuyến xe bán hàng lưu động phục vụ tết, phiên chợ hàng Việt dành cho công nhân… mang lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng từ mẫu mã đến giá cả”.

Thời gian qua, các mặt hàng ngoại nhập kém chất lượng (chân gà thối, hạt dưa có nguy cơ gây ung thư, gia vị độc hại…) liên tục được phát hiện, khiến niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt tăng mạnh đáng kể. Chính vì vậy, bà con ngoại thành đã tìm tới hàng bình ổn giá nhiều hơn. Do mặt hàng này đa phần đều xuất xứ “Made in Việt Nam”.

Ngoài ra, mua hàng tại chợ vừa mất công trả giá, lại phải chịu cảnh giá lên xuống thất thường, đặc biệt, giá thường tăng cao dịp tết… nên người dân đã tìm đến hàng bình ổn nhiều. “Người dân xã tôi mua hàng bình ổn rất đông do chất lượng tốt, giá ưu đãi”, ông Mai Xuân Tân, Phó Chủ tịch xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết.

Thống kê của Sở Công thương cho thấy, toàn TPHCM có 2.546 điểm bán hàng bình ổn thị trường. Năm nay, hệ thống các điểm bán hàng bình ổn tại chợ truyền thống tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tới thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 878 điểm tại 151 chợ truyền thống. Hàng bình ổn phủ sóng tới khu vực ngoại thành là những tín hiệu đáng mừng.

Điều này chứng tỏ chương trình bình ổn giá của TPHCM đã phát huy tác dụng, góp phần đưa người tiêu dùng trong nước xích lại gần hơn với sản phẩm nội địa. 

THI HỒNG – MAI THI

Tin cùng chuyên mục