
Từ đầu tháng 12 đến nay, giá các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt gia cầm tăng lên rất mạnh. Cụ thể: gà ta sống có giá từ 45-50 ngàn đồng/kg (tăng 7-10 ngàn đồng/kg), gà ta mổ sẵn 55-57 ngàn đồng/kg (tăng 10-12 ngàn đồng/kg), gà công nghiệp mổ sẵn 35-40 ngàn đồng/kg (tăng 7-8 ngàn đồng/kg), vịt mổ sẵn 30-32 ngàn đồng/kg…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có nhiều nguyên nhân khiến cho thịt gia cầm tăng vọt, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhu cầu tiêu thụ vào thời điểm cuối năm tăng lên rất cao. Trong khi đó, mặc dù hiện nay nguy cơ dịch cúm có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào, nhưng ngoài khu vực các chợ nội thành được quản lý tương đối chặt chẽ, tình trạng buôn bán và giết mổ gia cầm thủ công vẫn đang diễn ra tràn lan ở nhiều quận ven và ngoại thành.
Đơn cử trên đường Phan Văn Trị và Thống Nhất (quận Gò Vấp), các loại gia cầm không qua kiểm dịch (từ Long An, Tây Ninh chuyển về) được bày bán khá nhiều với mức giá từ 45.000-50.000đ/kg (gà sống). Điều đáng nói là tình trạng giết mổ ở đây chủ yếu vẫn là thủ công và khá công khai. Người mua chỉ đặt cọc từ 5.000đ đến 10.000đ, nửa tiếng sau sẽ có hàng giao tận nơi theo yêu cầu.
Không chỉ ở khu vực đường Phan Văn Trị và Thống Nhất (quận Gò Vấp), mà nhiều nơi trong các chợ thành phố vẫn diễn ra tình trạng bán lén thịt gia cầm không qua kiểm dịch. Bà Lê Thị Tố Nữ, Phó ban Quản lý chợ An Lạc cho biết, hiện nay tình trạng ra bán lén gia cầm diễn ra ở khu vực quanh chợ rất nhiều, và đa số thịt gia cầm còn sống hoặc đã mổ sẵn được đưa ra bán lén đều được đưa từ các tỉnh miền Tây lên mà không hề qua kiểm dịch của bất cứ một trạm thú y nào.
Theo ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, để đảm bảo sức khỏe cho bà con trong dịp Tết Nguyên đán, các ban ngành đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh buôn bán gia cầm. Trên tinh thần này, ngày 27-12 vừa qua Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai đã phối hợp với Trạm Thú y quận Tân Bình yêu cầu các hộ kinh doanh gia cầm cam kết thực hiện một số biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn như trang bị các trang phục bảo hộ: gồm mũ, quần áo, găng tay…
Trạm Thú y quân Tân Bình còn thường xuyên kiểm tra chặt chẽ lượng hàng vào chợ bằng cách đóng dấu và dán tem, không để lượng gà không rõ nguồn gốc xâm nhập vào chợ, các tiểu thương kinh doanh gà phải kê khai số gà bán được và còn lại mỗi ngày cho trạm thú y biết, quản lý.
Thiết nghĩ việc tăng cường quản lý kinh doanh gia cầm như chợ Phạm Văn Hai đang làm là việc làm hết sức cần thiết và cần nhân rộng, nhất là trong bối cảnh dịch cúm gia cúm đang có nguy cơ tái phát, mà nhu cầu tiêu thụ vào dịp cuối năm, tết Nguyên đán lại đang tăng cao hơn bao giờ hết.
THU TUYẾT-MAI THI