Đề án tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2019 được kỳ vọng là một cơ hội cho hàng không Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Làm thế nào tận dụng cơ hội này là vấn đề được đặt ra tại hội thảo Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bên vững tổ chức tại Quy Nhơn ngày 11-4 với sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT), Bộ Kế hoạch Đầu tư, đại diện các địa phương, các nhà đầu tư và các chuyên gia hàng không.
Thông tin từ tọa đàm, ngành hàng không Việt Nam (HKVN) đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đạt 2 con số.
Nếu như năm 2012, lượng khách thông qua các cảng chỉ đạt hơn 37 triệu khách thì dự báo đến năm 2019, lượng hành khách thông qua 21 cảng hàng không có nguồn gốc đầu tư từ Nhà nước đã đạt hơn 112 triệu khách.
Mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đã phát triển rất nhanh với sự tham gia của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jestar, Bamboo Airways.
Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay kết nối Việt Nam với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong Đề án tăng cường kết nối hàng không với các thị trường du lịch, hàng không Việt Nam đặt mục tiêu mở các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có, nhất là các thị trường du lịch trọng điểm trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga, Úc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, sẽ mở mới các đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm Đông Bắc, di sản miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Phú Quốc, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT), hàng không Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nóng trong thời gian vừa qua, từ 1 hãng hàng không đã tăng thành 4 hãng hàng không trong nước cùng khai thác thị trường. Dự báo, tốc độ tăng trưởng 2 con số sẽ duy trì đến hết 2020 và sau đó sẽ giảm xuống 1 con số. Sự tăng trưởng nóng này đã dẫn đến tình trạng quá tải trên nhiều phương diện, từ giao thông kết nối, hệ thống nhà ga, sân đỗ, đường cất hạ cánh, nguồn nhân lực...
Mặc dù có nhiều hệ lụy của sự tăng trưởng nóng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường hàng không Việt Nam đã tự tạo ra động lực cho mình bằng sự cạnh tranh rất rõ nét. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, điểm đặc biệt của thị trường HKVN là sự cạnh tranh liên tục, có người vào, có người ra. Trên thị trường hàng không, vai trò quản lý của nhà nước rất lớn trong việc tạo ra các động lực trong cạnh tranh quốc tế, cạnh tranh khu vực, và cạnh tranh giữa các hãng hàng không để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, bảo vệ người chơi trên thị trường.
Ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, nét mới của thị trường hàng không Việt Nam là tư duy của nhà nước đã thay đổi, cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực hàng không. Kết quả, sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân và nhà đầu tư khai thác cảng tư nhân đã mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng. Nhiều đường bay mới được mở ra, giá vé máy bay rẻ hơn so với trước, các hãng hàng không cũng được đối xử công bằng hơn trong việc khai thác cảng.
Vấn đề đặt ra là, không chỉ các doanh nghiệp tư nhân đòi được bình đẳng mà chính các doanh nghiệp nhà nước cũng đang mong muốn được là doanh nghiệp một cách đúng nghĩa. Thực tế nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng đang kêu khó khi bị trói buộc bởi quá nhiều cơ chế, nhiều trách nhiệm. Theo các chuyên gia kinh tế, cần có cơ chế để các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng với nhau, phần nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội của các doanh nghiệp nhà nước cần được tách ra và do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Ông Lại Xuân Thanh, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng HKVN cho rằng, việc mở rộng đầu tư trong lĩnh vực hàng không là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, thị trường phát triển càng mạnh thì yếu tố đảm bảo an toàn hàng không càng cần được quan tâm, trong đó, năng lực của nhà chức trách hàng không là yếu tố quan trọng đặc biệt. Ông Thanh khẳng định, thị trường hàng không Việt Nam cần phải đặt trong sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.