Sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cuối năm

Hàng tồn kho - nỗi lo doanh nghiệp

Hàng tồn kho - nỗi lo doanh nghiệp

Tình hình giá xăng tăng cao, giá nguyên phụ liệu tiếp tục tăng khiến cho nhiều doanh nghiệp thật sự lo ngại để có thể tiêu thụ hàng hóa trong những tháng cuối năm.

  • Nhiều ngành sản xuất đang tồn kho hàng hóa
Hàng tồn kho - nỗi lo doanh nghiệp ảnh 1

Nhu cầu xây dựng giảm, sắt thép tồn đọng nhiều.  Ảnh: THÀNH TÂM

Ngành thép đang trong tình trạng bối rối vì lượng thép thành phẩm nhập khẩu tăng mạnh, trong khi lượng thép sản xuất trong nước lại tồn kho khá lớn. Trong 6 tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu đã là 1,635 triệu tấn, trị giá trên 1 tỷ USD, tăng 18% về lượng và 46,6% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi lượng thép nhập về nhiều thì thép sản xuất trong nước lại khá dồi dào, khoảng 1,68 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 19,5%. Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, ít nhất có 5 dự án thép trọng điểm đi vào hoạt động là dự án Thép cán nguội Phú Mỹ có công suất 250.000 tấn/năm; dự án Thép Phú Mỹ có công suất 500 tấn phôi/năm; dự án thép Thái Nguyên mở rộng có công suất 300 tấn phôi/năm; dự án cán thép Đà Nẵng có công suất 250.000 tấn/năm.

Sản lượng thép tăng nhanh nhưng việc tiêu thụ hiện nay vẫn đang thấp do vào mùa mưa, vì vậy nhiều doanh nghiệp đang tồn kho với số lượng lớn. Con số mà Hiệp hội Thép đưa ra, 40 doanh nghiệp thành viên đang tồn 248.000 tấn thép thành phẩm, và cũng là mức tồn kho cao nhất từ trước đến nay. Lý giải tình hình này cho thấy, giá thép và phôi thép biến động liên tục trong những tháng đầu năm. Vào quí 1-2005, giá phôi thép tăng mạnh, có lúc đạt bình quân tới 420 USD/tấn.

Tuy nhiên, từ đầu quí 2-2005 tình hình khác hẳn, giá phôi thép và các loại thép chuyên dụng giảm mạnh, đặc biệt phôi thép từ nguồn Biển Đen chào chỉ còn ở mức 335 USD/tấn, giá thép tấm cán nóng và thép lá cán nguội giảm 110-120 USD/tấn. Nguyên nhân giá phôi thép giảm được cho là do nhu cầu tiêu thụ chựng lại tại một số thị trường lớn như Mỹ, Tây Âu, Trung Quốc (do Trung Quốc thực hiện chính sách giảm tốc độ tăng trưởng đang rất nóng).

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước, nhất là Tổng Công ty Thép Việt Nam, vừa phải nhập khẩu giá phôi lúc cao nhưng bán hàng ra lúc giá xuống thấp, vừa đảm bảo giá trần để kìm giữ tốc độ tăng giá, nên mặc dù có phấn đấu giảm chi phí nhưng vẫn bị lỗ. Số liệu ban đầu cho thấy, chỉ trong quí 1-2005, Công ty Gang Thép Thái Nguyên lỗ trên 1 tỷ đồng, còn Công ty Thép miền Nam lỗ 8,29 tỷ đồng.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp trong ngành giấy cũng đang gặp tình trạng hàng tồn kho lớn và kinh doanh thua lỗ. Hai mặt hàng chủ lực là giấy in và giấy viết tiêu thụ đặc biệt khó khăn do cung đang cao hơn cầu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy cho biết, giá cả đầu vào biến động đối với ngành giấy thật “khủng khiếp” như giá bột giấy, xăng dầu, hóa chất… đều tăng mạnh, khiến giá thành mỗi tấn giấy viết đội thêm 1,2-1,5 triệu đồng, thế nhưng giá bán hầu như không tăng mà vẫn không bán được hàng. Tính ra, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp vào khoảng 38.000 tấn, riêng giấy in và giấy viết tồn tới 24.000 tấn, giấy in báo chỉ tồn 1.500 tấn.

  • Nỗ lực tìm giải pháp tiêu thụ những tháng cuối năm

Mặc dù nhiều doanh nghiệp hy vọng những tháng tới đây tình hình tiêu thụ sản phẩm sẽ khả quan hơn, khi nhiều công trình trọng điểm quốc gia và của các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành kế hoạch năm nay và cả nhiệm kỳ 5 năm. Như vậy, các mặt hàng như thép, xi măng… sẽ tăng khả năng tiêu thụ, giảm lượng hàng tồn kho. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục tìm kiếm các biện pháp giảm chi phí giá thành sản phẩm. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn lo ngại vì lượng hàng hóa tồn kho trong xã hội còn rất lớn, vì vậy sẽ tiếp tục khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ.

Bộ Công nghiệp dự báo tình hình khả quan nhất là đối với ngành phân bón. Hiện nay hai doanh nghiệp chủ lực đang tồn kho khoảng 70.000 tấn phân urê, nhưng nhu cầu urê trong vụ mùa tới của cả nước là 560.000 tấn, vì vậy dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 400.000 tấn và với sản lượng tiếp tục sản xuất của các nhà máy trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp. Còn ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên 1 thì lại khá lạc quan về khả năng tăng trưởng mạnh trong xây dựng, nhu cầu xi măng cũng sẽ tăng cao.

Bản thân Xi măng Hà Tiên 1 đang triển khai hàng loạt biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất để giảm giá thành, công ty còn tính toán hỗ trợ các đại lý tiêu thụ giảm chi phí vận chuyển (đang tăng rất cao do giá xăng tăng cao) bằng vận tải thủy, tìm các điểm cập bến giao hàng trên đường thủy thuận lợi cho một số đại lý. Với cách làm này, Xi măng Hà Tiên 1 hy vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm trong những tháng cuối năm.

Oâng Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, song song với việc đẩy mạnh các sản phẩm may mặc, Vinatex chú trọng mở rộng thị trường nội địa để tăng sức tiêu thụ hàng hóa đối với thị trường tiềm năng hơn 80 triệu dân. Một số doanh nghiệp thuộc Vinatex như Việt Tiến, Phương Đông, Nhà Bè… đã đưa ra các sản phẩm thời trang cao cấp, tăng tỷ lệ sử dụng vải nguyên liệu trong nước để giảm lượng hàng hóa tồn kho tại các doanh nghiệp dệt và tăng khả năng khai thác công suất thiết bị mới đầu tư.

Vinatex đã mạnh dạn thực hiện hàng loạt biện pháp như đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên; cho thuê các dây chuyền sản xuất chưa hiệu quả; góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân để cho chính phía tư nhân đứng ra điều hành sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả hơn; thí điểm thuê giám đốc điều hành sản xuất… Tuy dự đoán tình hình sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm vẫn có nhiều khó khăn, nhưng qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp đang nỗ lực để tìm cách thoát ra khỏi tình trạng này. Đây cũng là một dấu hiệu đáng mừng.

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục