Hàng Việt nhiều cơ hội tại thị trường nội

Thông tin phân tích thị trường từ tham tán thương mại cho thấy, ngành hàng lương thực thực phẩm, nông thủy hải sản Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu trong năm 2020. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, cần chắc chân thị phần nội địa, tạo cơ sở mở rộng bền vững thị trường xuất khẩu. 
Sản phẩm sữa Vinamilk khẳng định vị trí tại thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế
Sản phẩm sữa Vinamilk khẳng định vị trí tại thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế

Nắm bắt lợi thế niềm tin

Nghiên cứu từ Công ty Tư vấn kinh doanh The Blue Ocean cho thấy, sau Covid-19, hành vi tiêu dùng có nhiều thay đổi. Theo đó, thay vì ưu tiên tiêu dùng hàng ngoại nhập, có đến 76% người tiêu dùng trong nước chọn sản phẩm nội địa.

Lý giải thực tế này, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh The Blue Ocean cho biết, người tiêu dùng được khảo sát khẳng định việc sử dụng hàng nội địa an toàn hơn do biết rõ nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác, nguồn cung cũng dồi dào và đa dạng hơn, đáp ứng nhanh xu hướng đặt đồ ăn trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn. 

Tuy nhiên, cùng với lợi thế niềm tin, người tiêu dùng trong nước cũng đặt ra những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng hàng Việt. Theo giới phân tích, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên và có nhận thức ngày càng cao về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là ở các thị trường cao cấp. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các nghiên cứu chỉ ra rằng, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá trị bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường được ưa chuộng và tiềm năng tăng trưởng lớn. 

Nắm bắt được xu hướng này, nhiều DN trong nước đã chuyển mình theo hướng duy trì xuất khẩu, đồng thời đầu tư mạnh cho thị phần nội địa. Đại diện Công ty cổ phần sản xuất cà phê Phúc Sinh cho biết, công ty có 20 năm kinh nghiệm xuất khẩu cà phê vào thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu. Từ đầu năm 2020 đến nay, diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhất là tại thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu, nên thị phần xuất khẩu cũng giảm nhẹ. Ngược lại, nhu cầu tiêu dùng cà phê sạch tại thị trường trong nước tăng mạnh. Do vậy, cùng với việc duy trì xuất khẩu, công ty đã đầu tư phát triển thị phần nội địa. 

Vinamilk (VNM) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý 3 và 9 tháng đầu năm 2020, đều tăng so với cùng kỳ. Trong quý 3-2020, Vinamilk đạt tổng doanh thu thuần hợp nhất 15.563 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2019. Điều đáng nói là kinh doanh nội địa ghi nhận doanh thu thuần 13.264 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 85% trong doanh thu thuần hợp nhất. 

Bắt nhịp xu hướng tiêu dùng mới

Để có thể nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng Việt, nâng cao vị thế hàng Việt tại thị trường nội địa, DN trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Đại diện Vinamilk chia sẻ, công ty đã xây dựng các mũi nhọn chiến lược, phù hợp với các tiêu chí cốt lõi là “Chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong”. Điều này không những giúp DN chinh phục được thị trường trong nước mà còn mở rộng thị phần ở nhiều thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…. Đồng thời, với hệ thống 12 trang trại, 13 nhà máy hiện đại, chuẩn quốc tế và hệ thống quản trị DN tiên tiến đã hình thành năng lực tiên phong để Vinamilk phát triển giá trị của DN và thương hiệu. 

Ở góc độ khác, những nỗ lực không nhỏ của các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương hỗ trợ DN về quảng bá và liên kết thị trường các vùng miền, phát triển thương hiệu, góp phần kích cầu, xây dựng vững mạnh thị trường nội địa. Điều này cũng tạo cơ sở nền tảng để DN mở rộng thị phần trong nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, nhờ đó các hoạt động trong nước, đặc biệt là các hoạt động kinh tế, đã được triển khai trở lại. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 11 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, thương mại điện tử có tốc độ gia tang nhanh chóng. Nghiên cứu của The Blue Ocean cũng cho thấy, thương mại điện tử bùng nổ, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhu cầu mua hàng giao tận nhà tăng cao. Ước lượng 1,2 tỷ lượt người dùng ứng dụng đặt hàng giao thức ăn tại nhà. Về sản phẩm, người tiêu dùng chú trọng hơn vào an toàn sức khoẻ và minh bạch thông tin sản phẩm. Do đó, công nghệ truy xuất nguồn gốc phát triển mạnh. Người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho chế biến thực phẩm tại nhà. Do vậy, DN cần chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, phân phối để bắt nhịp với thói quen của người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục