
* Bệnh nhân nhiễm Ebola thứ hai của Mỹ được xuất viện
(SGGPO).- Sáng 22-8, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông báo về trường hợp hành khách người Việt Nam nghi bị sốt trở về từ Liberia - nơi đang có dịch bệnh nguy hiểm do virus Ebola gây ra.
Theo đó, hành khách này trở về từ Liberia qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 19-8 đã khai báo với cán bộ kiểm dịch y tế là mình đang bị viêm họng và sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Trường hợp này ngay sau đó đã được đưa vào khu vực cách ly tạm thời và được Viện Pasteur TPHCM, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM theo dõi thân nhiệt 3 giờ/lần. Sau hơn 10 giờ theo dõi, hành khách nói trên không sốt và không có triệu chứng nào của bệnh do virus Ebola. Căn cứ vào tình hình sức khỏe của hành khách trên, Viện Pasteur TPHCM đã báo cáo Bộ Y tế và thống nhất để hành khách đó trở về nhà và hướng dẫn các biện pháp theo dõi, giám sát tại nơi cư trú.
Tuy nhiên với ý thức và trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, vào 17 giờ ngày 20-8, hành khách này đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để được tư vấn và theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân. Từ lúc nhập bệnh viện đến nay, hành khách này trong vẫn tình trạng sức khỏe bình thường, không sốt, không có biểu hiện triệu chứng của bệnh do virus Ebola và sẽ ra viện vào hôm nay 22-8.
Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng - Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), cho biết theo thông báo của WHO, từ đầu năm 2014 đến ngày 18-8 đã ghi nhận 2.473 trường hợp mắc bệnh do virus Ebola trong đó 1.350 trường hợp tử vong tại 4 nước Guinea (579 mắc /396 tử vong), Liberia (972/576), Nigeria (15/4) và Sierra Leone (907/374). Đáng chú ý, chỉ trong trong 2 ngày 17 và 18-8, tại 3 nước (Guinea, Liberia và Sierra Leone) đã ghi nhận thêm 221 trường hợp mắc mới Ebola, trong đó 106 trường hợp tử vong.
KHÁNH NGUYỄN
Nam Phi cấm nhập cảnh, CH Chad đóng cửa biên giới từ vùng có dịch
Chính phủ Nam Phi đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những người không phải là công dân Nam Phi đến từ các nước có ổ dịch ở Tây Phi. Lệnh cấm được áp dụng rộng rãi, trừ trường hợp thật đặc biệt. Đối với công dân Nam Phi trở về nước từ những nước có dịch ở Tây Phi sẽ phải điền vào bảng câu hỏi về tình hình sức khỏe toàn diện của bản thân và qua khâu kiểm tra y tế trước khi được phép nhập cảnh.
Chính phủ Chad ngày 21-8 cũng thông báo đóng cửa biên giới với Nigeria vì “yêu cầu cấp thiết đối với sức khỏe cộng đồng”.

Tại Mỹ, bác sĩ Kent Brantly (ảnh: áo xanh) - người bị nhiễm Ebola trong thời gian tới Liberia dập dịch - đã được xuất viện ngày 21-8. Đây là bệnh nhân thứ hai ở Mỹ được điều trị khỏi Ebola sau khi một bệnh nhân trước đó là Nancy Writebol cũng đã được ra viện hôm 19-8. Cả hai bệnh nhân đều được điều trị bằng thuốc ZMap còn đang trong quá trình thử nghiệm. Thuốc này do công ty Mapp Biopharmaceutical của Mỹ bào chế và cũng đang được dùng để điều trị cho 3 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh tại Liberia.
Kết quả điều trị ban đầu cho thấy cả ba bệnh nhân này đều có các dấu hiệu tích cực khi được dùng thuốc.
Hạnh Xuân
>> Giám sát chặt người về từ vùng dịch Ebola