Hạnh phúc đâu cần khuôn mẫu

Chuyện mai mối dần trở thành áp lực với không ít bạn trẻ, nhất là những dịp sum họp gia đình như ngày lễ, tết. Cái chuẩn “trai lớn có vợ, gái lớn có chồng” gần như là mẫu số chung, mà nếu khác đi, người ta dễ bị mang tiếng như một nốt nhạc lạc tông.
Hạnh phúc đôi khi là những ngày tự do làm điều mình thích
Hạnh phúc đôi khi là những ngày tự do làm điều mình thích

1. Công việc thuận lợi, thưởng tết cao hơn năm trước nhưng Nguyễn Thuận Thành (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) thở dài sau đợt về quê ăn tết. Nỗi niềm không đến từ chuyện lì xì hay bia rượu mấy ngày xuân mà đi đâu ai cũng hỏi “chừng nào cưới vợ?”. Thuận Thành chia sẻ: “Ở quê tôi, bằng tuổi tôi có người một nách đã 2 con rồi, tết này tôi đi đâu, gặp ai cũng hỏi mình chuyện cưới vợ, vì tuổi này mà còn độc thân như “hàng tồn kho” trong nhà”.

Nhiệt tình hơn cả hỏi thăm, nhiều người quen, họ hàng còn ra sức mai mối để giải quyết mối lo “tồn kho” trong nhà của đứa con, đứa cháu tuổi ngoài 30. “Cỡ 25, 26 tuổi là ba mẹ tôi nhắc chuyện cưới vợ lần lần rồi, giờ thì không nhắc nữa mà hối thúc mỗi ngày. Lần nào tôi về nhà ba mẹ cũng giới thiệu mối này mối kia, tết này bà con họ hàng, cô bác hàng xóm hỏi thăm chừng nào cưới vợ, mình chưa kịp trả lời thì họ giới thiệu, làm mai luôn. Thiệt tình là tôi không quá áp lực với chuyện hỏi thăm cưới vợ, nhưng mọi người nhiệt tình làm mai rồi dắt đi coi mắt thành ra tôi ngại. Mai mối không thành, mình ngại, đối phương ngại, người làm mai cũng không vui, sau này gặp nhau cũng khó ăn khó nói”, Thành tâm sự.

Chuyện mai mối với nam đã áp lực như vậy, cánh nữ càng bị hối thúc dồn dập hơn bởi nỗi lo con gái có lứa có thì. Việc chọn lối sống độc thân không còn lạ gì trong xã hội hiện nay, điều này phổ biến và dễ chấp nhận ở những thành phố lớn, tuy nhiên, nhiều địa phương khác, điều này vẫn khó chấp nhận, bởi chị em chung quanh đã tay bế tay bồng. “Lần nào về quê tôi cũng bị hỏi chuyện lấy chồng, biết rằng mọi người quan tâm mình mới hỏi, mới tìm chỗ mai mối, nhưng thật sự cũng có chút cảm giác khó chịu. Ai cũng lo chuyện mình không lập gia đình, già cả lủi thủi một mình không ai lo, nhưng mọi người quên hỏi là hiện tại mình có thoải mái, có hạnh phúc không, lập gia đình thì phải sẵn sàng chứ đâu thể tạm bợ hay tới tuổi thì lấy chồng được”, Đặng Thị Thanh Hà (28 tuổi, quê Sóc Trăng, ngụ quận Bình Tân) chia sẻ.

2. Không ít câu chuyện mai mối từ chỗ lo lắng, yêu thương trở thành chuyện cười ra nước mắt, bởi người ta cố gượng ép gặp mặt cho đẹp lòng mẹ cha. Có khách đến nhà chúc tết, Nguyễn Thị Hiền (29 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ quận 8) lo phần trà nước nhưng nào ngờ đó là “nghệ thuật sắp đặt” của người lớn để đôi trẻ gặp nhau. “Khách tới nhà tôi cũng ngờ ngợ, vì không phải bà con trong họ hàng, nói chuyện một hồi mới biết là người bạn làm ăn với bác ba - là anh trai của ba tôi, có con trai lớn hơn tôi 2 tuổi, nên tranh thủ dịp tết qua nhà để cáp kèo cho 2 đứa”, Hiền kể.

Nhưng dù gì đi nữa, hạnh phúc cũng là mái nhà, là nơi có những người thân vẫn đang lo lắng cho đứa con, đứa cháu chuyện lập gia đình. Hãy nhìn những lần mai mối, coi mắt là một sự quan tâm, dẫu đôi khi nó cũng thật phiền, bởi chúng ta hạnh phúc khi vẫn còn người thân bên đời.

Sau cuộc gặp sắp đặt dịp tết, là bữa cà phê đầy hứa hẹn mà phụ huynh hai bên dàn xếp trước ngày Hiền lên thành phố để đi làm. Hiền chia sẻ: “Thôi thì bấm bụng đi cà phê cho vui lòng ba mẹ, chứ đầu năm đầu tháng cãi nhau trong nhà lại không hay. Tôi gặp và cà phê với bạn cũng vui, bạn cũng trong tình thế bị gia đình hối thúc lấy vợ nhưng hiện tại còn mê làm ăn và học các lớp bồi dưỡng công nghệ hơn là lập gia đình. Hai đứa trò chuyện một lúc thì về, có thêm một người bạn cũng hay nhưng thiệt tình tôi ngán chuyện mai mối, coi mắt lắm. Từ hồi tốt nghiệp đại học tới giờ, gia đình cứ hối lấy chồng, nhà hàng xóm người ta có cháu nội, cháu ngoại hết trơn, còn tôi cứ hết làm mai đám này tới đám kia mà đến giờ vẫn chưa “chốt đơn” xong”…

Cũng trong độ tuổi phải “chốt đơn” gấp để tránh chuyện “tồn kho” trong nhà, không ít lần bạn tôi phải giả bệnh để trốn chuyện làm mai, coi mắt, thậm chí đôi lần giả vờ bận việc để cáo bận một cách chính đáng trong những lần giỗ chạp ở quê. Bởi theo lời bạn tôi giải thích, “Tới bây giờ thì đi đám ma, người ta hỏi thăm ngược xuôi một hồi cũng hỏi chừng nào mình lấy chồng, cưới vợ à”…

Vì những yêu thương và quan tâm, người thân trong nhà mới lo chuyện giải quyết hàng “tồn kho”, nhưng có lẽ mỗi thời, mỗi thế hệ, quan niệm hạnh phúc đã khác đi rất nhiều. Có ai đó viết trên một diễn đàn “chọn ế bền vững” rằng: “Nếu có một ai đó cùng mình trên những chặng đường tương lai thì quả thật hạnh phúc, nhưng không có cũng không có nghĩa là bất hạnh. Bởi hạnh phúc không đến từ bên ngoài, cũng không đến từ một ai đó mà nó đến từ cách nhìn nhận và cách sống của mỗi người. Điều gì làm chúng ta thoải mái và vui vẻ thì đó là hạnh phúc… không cần phải theo khuôn mẫu hay chuẩn mực đến tuổi phải lập gia đình cho bằng chị bằng em”.

Tin cùng chuyên mục