Hành trình nhận diện biểu tượng linh vật

Hơn 10 năm điền dã, nghiên cứu, khảo sát và 3 năm thực sự bắt tay tập trung vẽ phác họa, nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long vừa ra mắt cuốn sách Phác họa nghê - Gã linh vật bên rìa, đưa ra nhiều góc nhìn thú vị về nghê - một biểu tượng quan trọng của linh vật Việt đã từng bị lãng quên.
Hành trình nhận diện biểu tượng linh vật ảnh 1 Tác giả Trần Hậu Yên Thế
Nghê - linh vật lạ mà quen
Bên cạnh hệ thống tứ linh (long, lân, quy, phượng), nghê là một trong những linh vật phổ biến trong không gian tín ngưỡng của người Việt. Theo nghiên cứu của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế và nhóm cộng sự, hình tượng nghê xuất hiện từ thời Lý, Trần, phát triển mạnh mẽ vào thời Lê và bắt đầu chững lại vào thời Nguyễn. Khi chế độ phong kiến chấm dứt, bước vào thời kỳ hiện đại, những linh vật truyền thống dần suy giảm, không chỉ riêng nghê mà các linh vật khác như long, lân, quy, phượng cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Chia sẻ quan điểm này, TS Đinh Hồng Hải cũng cho rằng, nghê là một trong những sản phẩm của sự tiếp biến văn hóa. Nghê là sản phẩm của một cộng đồng dân tộc mang những đặc trưng rõ nét về quốc gia nông nghiệp lúa nước; là một sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao, phản ánh rõ nét nhân sinh quan của người Việt trong những giai đoạn lịch sử của dân tộc. 
“Nghê là một con vật hư cấu, có thể ban đầu nó là một biến thể của rồng (theo thuyết long sinh cửu tử) hoặc giống với sư tử. Song hình tượng nghê là một ví dụ tiêu biểu cho sự tiếp biến, dung hợp văn hóa trong không gian tín ngưỡng của người Việt. Người Việt đi tới đâu, nghê theo tới đó. Nghê có mặt ở đền miếu, lăng tẩm, đình chùa, từ thường dân cho đến cả chốn hoàng cung…”, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nói.
Trong đời sống cung đình, hình tượng nghê cũng được lưu lại khá dày đặc. Hiện tại ở khu vực Hoàng Thành Thăng Long, ở tầng văn hóa Lý, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một con sấu đá (nghê). Ngoại trừ hình dáng tròn, mập hơn thì nghê đá này hoàn toàn giống với hình ảnh linh vật trên trán bia Minh Tịnh tự bi văn tìm thấy ở Thanh Hóa (năm 1090). Tại khu vực vườn Hồng, thuộc tầng văn hóa Lê Sơ, người ta cũng tìm thấy tượng nghê gốm men xanh lục. Linh vật này cũng xuất hiện tại hành cung Cổ Bi của chúa Trịnh Cương, hình thức nghê vờn ngọc còn tìm thấy trên một số ấn triện còn lưu lại. 
Trong tâm thức của người Việt, con nghê có hình dạng cơ bản là con chó. Hay nói cách khác, con nghê chính là con chó biến điệu ra. Tuy nhiên, cũng như các linh vật khác, tạo hình nghê có sự biến hóa và thay đổi qua các thời kỳ lịch sử. Nghê Việt mang nhiều đặc điểm cấu tạo của các loài bò sát, thủy sinh. Phần dưới giống với rắn, bụng, đuôi lại được cấu tạo nhiều ngấn của bò sát. Ngay từ hình bia trên trán bia Minh Tịnh (thời Lý), kim nghê đội tòa sen chùa bà Tấm (thời Lý), kim nghê chùa Thông đã thấy rõ các đặc điểm này.
Cũng do nhu cầu thiêng hóa, nghê có nhiều dạng thức khác nhau như: sư tử nghê, long nghê, kỳ lân nghê, khuyển nghê. Chính vì thế, hiếm có linh vật nào có thần thái sinh động như nghê, đủ cả hỷ - nộ - ái - ố, lúc chau mày ứa lệ, lúc toe toét miệng cười. Song có lẽ cũng một phần do sự biến hóa ấy mà một thời gian dài nghê đã bị bỏ quên khỏi những cuốn sách về nghệ thuật cổ truyền của người Việt, thậm chí bị nhầm tên, quên họ trong một số công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài. Song, dù thế nào chăng nữa, cũng như những vai hề chèo, diễn viên phụ xuất sắc, nghê đã chạm đến chốn sâu lắng nhất của tâm hồn người Việt.
Không còn đứng bên rìa của đời sống đương đại
Trong dân gian, nghê có hai chức năng cơ bản: lời chào đón với sắc thái hoan hỷ hoặc tạo ra sự thương cảm ở các đền miếu. Tới thời Nguyễn, nghê có thêm một ý nghĩa nữa, là con vật soi xét, phân biệt ngay - gian, một biểu tượng của lòng kiên trung tận tụy. Đã có một thời gian dài nghê bị quên lãng và thay vào đó là sự lên ngôi của các linh vật ngoại lai có hình dáng oai hùng, bệ vệ mà nhiều người ngộ nhận rằng đó là biểu tượng của quyền lực, sức mạnh, tiền tài. 
“Song may mắn thay, tại thời điểm này, sau một thời gian dài, cũng như nhiều linh vật Việt khác đứng bên rìa của đời sống đương đại, giờ đây nghê Việt đã bắt đầu được nhận diện lại”, TS Trần Hậu Yên Thế chia sẻ.
Từ trong các xưởng mộc, xưởng đá, lò gốm, nghê đã âm thầm hồi sinh, nhanh chóng khẳng định một giá trị Việt không dễ gì vùi dập. Năm Nhâm Tuất này báo hiệu sự trỗi dậy mạnh mẽ của nghê Việt khi hàng loạt các tín hiệu vui đến từ xưởng điêu khắc Liên Vũ, Hội quán Di sản, xưởng chế tác của Công ty Vạn Bảo Ngọc… và những xưởng chế tác đá ở Ninh Vân gần đây. Cùng đó, biểu tượng của nghê Việt cũng đã sống lại trên các bức họa của làng tranh Kim Hoàng, xuất hiện trong bộ sưu tập áo dài mùa tết năm nay của nhà thiết kế Lasen Vũ… Nghê Việt đã dần dần hòa nhập với cuộc sống đương đại.
Việc ra mắt cuốn Phác họa nghê - Gã linh vật bên rìa, công trình nghiên cứu về linh vật Việt từ những con nghê ở đền vua Đinh, vua Lê ở cố đô Hoa Lư, sau đó mở rộng tầm nhìn đến các vùng miền khác của TS Trần Hậu Yên Thế và các cộng sự, được kỳ vọng sẽ góp phần xóa những khoảng mờ trong nhận diện linh vật Việt, tạo thêm sức đề kháng cho văn hóa trước hiện trạng xâm lăng mạnh mẽ của các biểu trưng văn hóa ngoại lai.

Tin cùng chuyên mục