“Hậu” tốt nghiệp THPT: Rút kinh nghiệm gì cho một kỳ thi chung?

Xét tuyển vào ĐH, CĐ khi tổ chức thi “2 trong 1”Chuyển việc tuyển sinh theo khối sang xét tuyển theo ngành học
“Hậu” tốt nghiệp THPT: Rút kinh nghiệm gì cho một kỳ thi chung?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua như một bước tập dượt để tiến đến kỳ thi chung với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Báo SGGP đã nhận được ý kiến của các cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp tham dự kỳ thi với trăn trở: một kỳ thi chung phải thật sự công bằng, nghiêm túc, đem lại hiệu quả xã hội. Cần lắm một đánh giá rút kinh nghiệm thật khách quan, khoa học để sớm hoạch định giải pháp cho kỳ thi năm sau ngay từ bây giờ.

  • Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long: Hoàn chỉnh những yếu tố kỹ thuật
“Hậu” tốt nghiệp THPT: Rút kinh nghiệm gì cho một kỳ thi chung? ảnh 1

Các học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh Q1 tươi vui sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Mai Hải

Đây là năm thứ 2 thực hiện cuộc vận động “Hai không”. Chúng ta có thể tổ chức 1 kỳ thi THPT, một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nghiêm túc thì tại sao chúng ta không tổ chức được một kỳ thi với 2 mục đích: 1 kỳ thi quốc gia như nhau (mục tiêu, đánh giá phân loại học sinh…) để tuyển sinh ĐH, CĐ. Tất nhiên là có một số vấn đề cần tiếp tục hoàn chỉnh nhưng chỉ mang yếu tố kỹ thuật (ví dụ như địa điểm thi).

Trong kỳ thi vừa rồi, có một số biểu hiện thanh tra ủy quyền lơ là nhiệm vụ, nhưng nhìn trên diện rộng 95% - 98% thanh tra thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ còn lại một tỷ lệ nhỏ thanh tra trẻ chưa có kinh nghiệm. Bộ sẽ rút kinh nghiệm trong kỳ thi tiếp theo, từ năm sau sẽ đặt ra tiêu chí lựa chọn thanh tra.

Tương tự, đề thi sẽ phải bám rất sát trình độ của HS để không có sai sót, phân loại được trình độ... Qua đó, chúng ta đã sẵn sàng tổ chức một kỳ thi quốc gia nếu được Chính phủ phê duyệt.

  • Ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM: Đề thi chưa phân hóa trình độ HS

Kỳ thi tốt nghiệp có hơn 800 thí sinh vi phạm quy chế thi. Con số này không có gì là bất thường mà nó cho thấy một sự tiến bộ trong công tác tổ chức thi, càng làm chặt chẽ thì càng phát hiện sai phạm. Tôi chỉ băn khoăn ở khâu đề thi. Nhiều học trò của tôi bảo “đề thi dễ quá thầy ơi!”, các em không mất nhiều thời gian giải đề. Nói chung, đề thi tốt nghiệp kỳ này chưa đủ sức phân loại HS.

Trong khi đó, đề ĐH đòi hỏi phải có sự phân hóa trình độ thí sinh. Nếu ráp kỳ thi chung với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển vào ĐH, CĐ mà đề thi không có sự cải tiến sẽ rất đáng lo ngại. Đề thi phải có tính thách đố hơn, điểm 6 – 7 dành cho HS nắm vững kiến thức ở phổ thông, cơ bản, điểm 8 – 10 dành cho những HS giỏi thật sự.

  • Bà Đào Thị Vân, GV Trường CĐ Sư phạm Hưng Yên: Thi tốt nghiệp nghiêm túc chỉ mới đánh giá được tương đối đúng chất lượng của thí sinh

Hà Tây nhiều năm qua là “điểm nóng” về lộn xộn trong thi cử. Nhưng trong quá trình tôi giám sát tại đây, hầu hết các giám thị và hội đồng thi đều thực hiện đúng quy chế thi, có thể nói là khá nghiêm túc. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn về chủ trương tổ chức một kỳ thi quốc gia với 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh.

Sự nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp mới chỉ đánh giá được tương đối đúng chất lượng của thí sinh. Nếu tổ chức kỳ thi “2 trong 1” thì vẫn những con người này, cách thức tổ chức không có thay đổi lớn, chất lượng giáo dục chưa được nâng lên thì đạt mục tiêu thứ 2 là tuyển vào ĐH, CĐ sẽ rất khó. Do tính cạnh tranh vào ĐH, CĐ nên giám thị làm tương đối mạnh tay nhưng thi tốt nghiệp thì nhiều khi giám thị vẫn “du di”, chưa kể đến cách xử lý tình huống giữa phòng thi này với phòng kia đã khác nhau, thì trên diện rộng là quy mô toàn quốc, khoảng cách này hoàn toàn có thể xảy ra.

D.Doanh – V.Lan

Xét tuyển vào ĐH, CĐ khi tổ chức thi “2 trong 1”
Chuyển việc tuyển sinh theo khối sang xét tuyển theo ngành học

Theo phương án xét tuyển vào ĐH, CĐ qua kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT dự kiến, về cơ bản quy trình vẫn như hiện nay nhưng chuyển việc tuyển sinh theo khối thi (A, B, C, D) sang việc xét tuyển theo ngành học.

Theo đó, đối với các ngành đào tạo thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật, thể dục thể thao, số môn xét tuyển là 3, trong đó 2 môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT tại kỳ thi THPT quốc gia (trong số 8 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý) và một môn năng khiếu, nghệ thuật do trường tổ chức thi.

Trong số 2 môn văn hóa xét tuyển có ít nhất 1 trong 3 môn: Toán hoặc Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ. Đối với các ngành đào tạo thuộc khối còn lại: số môn xét tuyển là 3 môn văn hóa thi theo đề chung của bộ, trong số 8 môn và phải có ít nhất 1 trong 3 môn là Toán hoặc Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ.

Ngoài ra, các trường có thể căn cứ vào các tiêu chí khác để xét tuyển: môn nhân hệ số và mức hệ số; kết quả thi các môn khác của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ngoài các môn quy định xét tuyển của trường. Kết quả thi/kiểm tra bổ sung; mức điểm tối thiểu quy định của trường để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, không nhất thiết phải tổ chức thêm kỳ thi/kiểm tra tại trường, trừ các trường/ngành đặc thù, năng khiếu, nghệ thuật, thể dục thể thao và đảm bảo xét tuyển thuận lợi.

Đinh Lan

Tin cùng chuyên mục