Hãy cho con học bơi

Chiều 11-6, 3 cháu nhỏ ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) bị té sông chết đuối. Trước đó, chiều 7-6, 3 cháu nhỏ tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) bị lật thuyền chết đuối. Ngày 1-6, 3 cháu nhỏ ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng bị lật thuyền chết đuối. Tất cả các vụ tai nạn thương tâm này đều do các cháu cùng chơi với nhau ở sông nước trong khi chưa biết bơi, không có người lớn coi sóc.

Theo số liệu của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB-XH), bình quân ở nước ta mỗi ngày có 9 trẻ bị chết đuối. Trong thời gian nghỉ hè, nguy cơ trẻ em chết đuối càng tăng cao. Một câu hỏi đặt ra: Cần phải làm gì để khắc phục những tai nạn thương tâm khi ở nước ta thường xuyên xảy ra?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn chết đuối ở trẻ em, chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các phụ huynh, chưa quản lý, giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tùy tiện đi lại tại các khu vực sông nước nguy hiểm. Nhiều sông, suối, ao, hồ, hệ thống kênh rạch chằng chịt, cũng chính là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Thực tế, việc quản lý trẻ cũng rất khó, không phải lúc nào người lớn cũng có thể bên cạnh trẻ để quan sát hay bảo vệ trẻ, nên biện pháp cần thiết nhất là hãy dạy cho trẻ tự bảo vệ. Đó là dạy cho trẻ những kỹ năng thiết thực nhất khi đối mặt với các tình huống xấu. Gần đây, nhiều đơn vị trong cả nước liên tục mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh và mang lại một số kết quả tốt. Phần lớn các phụ huynh thừa nhận khóa học kỹ năng mang lại nhiều điều hay cho trẻ như rèn luyện thể lực, phát triển trí tuệ, phát triển các phẩm chất đạo đức nhân cách... Do vậy phụ huynh thường ủng hộ và kỳ vọng vào sự trưởng thành của con mình sau khóa học rèn kỹ năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh trẻ đang phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là nguy cơ chết đuối, nếu sau một khóa học kỹ năng mà 100% trẻ tham dự biết bơi và biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân và người khác thì mới thật tốt.

Nên dạy cho trẻ các kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho bản thân ngay từ khi trẻ đi mẫu giáo và bước vào tiểu học, nhất là kỹ năng bơi lội và cách xử lý cơ bản khi thấy người ngạt nước, đuối nước. Khi bước vào tiểu học, trẻ đã có thể biết bơi lội và có thể biết tránh xa hoặc xử lý các tình huống xấu. Đừng để đến bậc trung học cơ sở mới dạy trẻ tập bơi và đối mặt với các tình huống xấu xảy ra trong cuộc sống. Khi trẻ đã biết bơi, còn phải luyện tập thường xuyên để kỹ năng này được duy trì ổn định, bền vững. Để trẻ tự tin bước vào cuộc sống và tránh được những tai họa khôn lường, cha mẹ cần phối hợp với các cơ quan chức năng về giáo dục để dạy kỹ năng sống nói chung và kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ nói riêng càng sớm càng tốt.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN

Tin cùng chuyên mục