
Bước vào ngưỡng cửa đại học (ĐH) với biết bao sự đổi thay về môi trường sống, phương pháp học tập, những tân sinh viên (SV), dù là học trò rời quê lên phố với ước vọng học thành tài hay quanh năm ở thị thành đều bỡ ngỡ, canh cánh nỗi lo hòa nhập với môi trường mới - môi trường ĐH…
Để giúp các bạn SV vượt qua khó khăn, bỡ ngỡ và vững tâm “tiến” vào giảng đường ĐH, khách mời của buổi giao lưu trực tuyến do Báo SGGP tổ chức ngày 9-9 “Hãy tự tin bước vào giảng đường ĐH” đã giải đáp hàng trăm thắc mắc, trăn trở cho các tân SV.
Đại học, học... đại được không?
- “Cha mẹ khó yên lòng khi con mình đi học phương xa. Nhưng con không bay ra ngoài XH thì cũng khó thành nhân, thành tài...”, chị Thúy Hà, Lâm Đồng đã bộc bạch nỗi niềm. Nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) khác cũng “chất vấn” TS Nguyễn Khắc Cảnh, Trưởng ban Công tác sinh viên - ĐHQG-HCM: “Khu vực xung quanh ĐHQG rất phức tạp, gần mực thì đen, SV sợ bị những tác động xấu”. TS Nguyễn Khắc Cảnh đã trấn an: “Trong năm học qua và năm học này, ĐHQG-HCM đã và đang phối hợp với chính quyền, công an địa phương tiến hành nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng phức tạp trên… Rất mong các em biết chọn lựa những hoạt động, những nơi chốn đến vui chơi giải trí một cách có ích. Mọi thông tin liên quan đến tình hình sinh viên ngoại trú tại khu vực này các bạn có thể liên hệ với anh Trần Việt Thắng, chuyên viên Ban CTSV, ĐT: 0903.113.350.

Buổi giao lưu trực tuyến trên SGGP Online. Ảnh: Mai Hải
Anh Giang Ngọc Phương – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM cũng hứa: PHHS yên tâm vì đã có các tổ chức đoàn thể quan tâm và chăm lo. SV có thể tham gia sinh hoạt Đoàn - Hội Sinh viên tại trường mình sinh hoạt hoặc đến các nhà văn hóa của giới trẻ (NVH Thanh niên - 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1 hoặc NVH Sinh viên - 643 Điện Biên Phủ, quận 3). Ngoài giờ học kiến thức, các em có thể tham gia nhiều CLB đội nhóm của Đoàn - Hội, tham gia các lớp kỹ năng xã hội, tham gia sinh hoạt các đội nhóm sở thích, học tập hoặc CTXH và tham gia các cuộc thi, chiến dịch tình nguyện...
- SV Ngô Quỳnh Hương, Bình Thạnh hỏi: Em nghe nói “đại học là học đại”. Giai đoạn đầu học kiến thức tổng quát không cần mất sức nhiều, chỉ cần tập trung sức vào 2 năm cuối. Th.S Trần Đình Lý, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết: Em nên có sự cân nhắc chọn lọc đối với các lời khuyên của bạn bè và thậm chí của các anh chị SV. Không thể có chuyện “học đại” đâu. Học ở bậc đại học rất khác ở bậc phổ thông, trong đó rất đề cao tính chủ động, tự giác của bản thân SV. Nếu em không chú ý học những kiến thức cơ bản, cơ sở, tổng quát thì đi vào chuyên ngành có thể em sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Đương nhiên, vào giai đoạn chuyên ngành, có thể em sẽ có những sự đam mê riêng đối với ngành nghề mà mình lựa chọn, nếu nắm vững kiến thức cơ bản, em sẽ thành công.
Anh Giang Ngọc Phương khuyên SV năm 1: “Đừng chủ quan. Năm 1 là năm có nhiều biến động đối với tân SV. Bạn sẽ làm quen với cách học mới, bạn bè mới, và cách tự rèn luyện mình hoàn toàn độc lập, chủ động trong đó có việc rèn luyện thêm các kỹ năng thực hành xã hội bên cạnh kiến thức chuyên môn, rồi tìm việc làm thêm để đỡ đần gia đình. Nhưng trên hết là học tập tốt. Do đó, phải dành tâm sức cho việc học, phương pháp học, phương pháp bổ sung kiến thức. Nếu không bạn sẽ bị hụt hẫng thì sau này có muốn học tốt cũng khó. Về việc làm thêm, bạn cứ đến liên hệ các văn phòng Trung tâm Hỗ trợ SV thuộc hệ thống tổ chức Đoàn - Hội để được hướng dẫn.
Chuyện “cơm - áo - gạo - tiền”
- Đó là chuyện thiết thân đã được nhiều SV gửi câu hỏi đến buổi giao lưu: Vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ở đâu? Có thể vay gần nơi SV học không?
Ông Trần Văn Tiên, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh TPHCM giải đáp: Nếu đủ điều kiện theo quy định hộ gia đình HS, SV sẽ được vay vốn tín dụng học tập tại NHCSXH quận, huyện, thị xã nơi hộ gia đình thường xuyên sinh sống. HS, SV mồ côi cả cha và mẹ hoặc chỉ một trong hai người nhưng người còn lại không có khả năng lao động được UBND xã, phường xác nhận sẽ được vay vốn học tập tại NHCSXH nơi nhà trường đóng trụ sở.
Theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HS, SV, đối tượng được vay vốn chương trình gồm: hộ nghèo; hộ gia đình có thu nhập đến 150% thu nhập của hộ nghèo; hộ gia đình gặp khó khăn đột xuất về tài chính do thiên tai, dịch bệnh được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận đối tượng được NHCSXH cho vay vốn tín dụng học tập. Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh TPHCM Trần Văn Tiên thông tin thêm: Thời gian trả nợ NHCSXH bằng thời gian bạn theo học trong trường. Ngoài ra, SV còn có thể gia hạn nợ để tìm việc làm tối đa không quá 1 năm. Lãi suất cho vay theo quy định là 0,5%/tháng, trong thời gian học bạn chưa phải trả lãi. Ông Tiên khẳng định: Nếu vay vốn cho con học tập tại hệ thống các chi nhánh NHCSXH trên toàn quốc, ngoài tiền lãi phải trả theo quy định của Chính phủ thì hộ gia đình không phải tốn thêm bất cứ một khoản chi phí nào.
- SV Nguyễn Đức Tiến, SV Trường Duy thắc mắc: “Ngoài học bổng chính sách của nhà nước, trường còn có những suất học bổng khác từ các cơ quan, cá nhân, tổ chức? Điều kiện có khó không?”.
Theo Th.S Trần Đình Lý, hiện nay ngày càng có nhiều các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, các hội đồng, cá nhân... tài trợ kinh phí (trang thiết bị, học bổng, miễn giảm học phí...) cho ngành GD-ĐT. Riêng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM hiện nay có rất nhiều học bổng ngoài ngân sách. Chi tiết về các nguồn học bổng và điều kiện cho từng nguồn cũng khác nhau, sinh viên có thể xem tại địa chỉ website: www.nls.hcmuaf.edu.vn. Anh Giang Ngọc Phương bổ sung thêm: Ngoài những suất học bổng dành cho những SV vượt khó học giỏi, Trung tâm Hỗ trợ SV cũng hỗ trợ cho các bạn SV có hoàn cảnh khó khăn hoặc khó khăn đột xuất nhưng chưa đủ điều kiện nhận học bổng.
Nhóm PV
200 suất học bổng và gần 1.000 chỗ trọ cho SV Hội Sinh viên TP có 6 loại học bổng dành cho SV: 1. Học bổng cho các SV học giỏi, phát triển tài năng. Học lực từ khá, giỏi trở lên. 2. Học bổng bảo trợ cho những SV có hoàn cảnh quá khó khăn (mồ côi cha/mẹ, gia đình hộ nghèo, vùng sâu, gặp thiên tai có nguy cơ bỏ học...). 3. Học bổng cho SV dân tộc trao vào dịp 19-4. 4. Học bổng cán bộ Đoàn - Hội trao vào dịp 26-3. 5. Học bổng kỹ năng như chương trình học bổng Vươn lên tầm cao phối hợp với Báo Tuổi trẻ, Pepsi Co., ILA Vietnam với 1 suất học bổng học tiếng Anh trong 1 năm trị giá 1.200 USD. 6. Học bổng SV năm 1: Mỗi loại học bổng đều có những tiêu chuẩn riêng. Các bạn SV có thể xem thông tin thường xuyên tại các blog hỗ trợ SV hoặc trang web Đoàn - Hội: http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn hoặc liên hệ trực tiếp tại địa chỉ Trung tâm Hỗ trợ SV, 643 Điện Biên Phủ, P1 Q3. Hiện tại, trung tâm đang có 200 suất học bổng và 1.000 chỗ trọ hỗ trợ SV. Tuy nhiên, nguồn chỗ trọ dành cho SV đang ngày càng cạn dần trong khi lượng SV ngày càng tăng. Quý vị hảo tâm giúp đỡ HS, SV ở tỉnh xa về trọ học có thể gọi đến TT HTSV TP theo số điện thoại: 8.353.173 (gặp chị Hồng Ngọc). Anh Giang Ngọc Phương Tuyển sinh ĐH, CĐ 2008 (SGGP). – Hôm nay 10-9, là thời hạn chót thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ xét tuyển nguyện vọng (NV2). Tại một số trường đại học phía Bắc, lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 không có đột biến, nhất là ở các trường đại học mới thành lập trong khi ở các trường công lập tỷ lệ hồ sơ/chỉ tiêu NV2 tương đối cao. Đến chiều 9-9, Trường ĐH Điện lực nhận được xấp xỉ 1.500 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, trong khi chỉ tiêu là 100 khiến tỷ lệ “chọi” khá căng thẳng 1/15. Theo ông Đàm Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực, so với năm 2007, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 giảm nhiều do số trường xét tuyển NV2 tăng nên thí sinh cũng bị phân tán. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào trường là 17, trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu. Trưởng phòng Đào tạo Viện ĐH Mở Hà Nội Nguyễn Hoàng cũng cho biết, đến ngày 10-9, trường sẽ công bố danh sách thí sinh trúng tuyển NV2 và “khóa sổ” công tác tuyển sinh 2008. Hiện tổng số hồ sơ xét tuyển NV2 vào trường khoảng 2.000 bộ, trong khi chỉ tiêu tuyển hệ ĐH là 340 nên nhà trường khá tự tin về nguồn xét tuyển. Một số trường ĐH mới thành lập có lượng đăng ký NV2 không vượt quá nhiều so với chỉ tiêu. ĐH Thành Tây cho biết, hiện đã nhận khoảng 1.200 hồ sơ (chỉ tiêu 1.000), điểm trúng tuyển NV2 sẽ bằng điểâm sàn nhận hồ sơ (A, D: 13, B: 15). Trưởng phòng Đào tạo Hoàng Hữu Nguyên cho biết, trường đang xin bộ thêm 500 chỉ tiêu cho khối ngành mới mở (kỹ thuật xây dựng công trình và công nghệ điện lạnh) nên dự kiến sẽ tuyển thêm 500 - 700 chỉ tiêu NV3. ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cũng cho biết hiện nhà trường đã nhận khoảng 1.400 hồ sơ xét tuyển NV2. Do tỷ lệ nhập học NV1 chỉ đạt 80% nên trường sẽ tuyển khoảng 1.000 chỉ tiêu với điểm chuẩn bằng điểm sàn nhận hồ sơ đã công bố. Đ.Lan Tiếp sức sinh viên khuyết tật đến trường (SGGP). – Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vừa trúng tuyển hoặc đang theo học tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên địa bàn TPHCM, Đoàn Thanh niên Báo Sài Gòn Giải Phóng và Quỹ Từ thiện VinaGame tổ chức chương trình “Tiếp sức sinh viên khuyết tật đến trường”. Sau khi thẩm định hồ sơ, tùy trường hợp, các sinh viên sẽ được nhận hỗ trợ: xe gắn máy, xe đạp điện, máy vi tính, học bổng suốt năm học… Các sinh viên khuyết tật có thể liên hệ trực tiếp để nhận đơn xin hỗ trợ tại Đoàn Thanh niên Báo SGGP, ĐT: 0908136081 hoặc Quỹ Từ thiện VinaGame, ĐT: 0913964767. Tr.Ng. |