Chấp nhận lùi lại phía sau
Lấy chồng, có thai được 3 tháng thì chị Nguyễn Quỳnh Hương (34 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) bị động thai. May mắn đi bệnh viện kịp thời, giữ được đứa bé nên sau đó cả chồng và gia đình nội ngoại hai bên khuyên Hương nghỉ việc. Từ đó đến nay là 3 năm, sinh con xong, Hương tối ngày bận rộn với núi việc của phụ nữ nội trợ. Chồng Hương làm cho một công ty nước ngoài, lương khá cao nên khuyên vợ ở nhà luôn. Con không ai chăm, việc nội ngoại một tay Hương lo lắng nên cô chấp nhận từ bỏ công việc của một nhà thiết kế. “Thật sự, nghỉ việc 3 năm, tôi mất hết tự tin trong nghề nghiệp. Các mối quan hệ trước đó ở bên ngoài cũng dần thu hẹp. Tôi chỉ còn biết nhà nội, nhà ngoại, chồng và con. Những sở thích thời còn con gái như mua sắm, đi spa, tập yoga, tôi đều không có thời gian. Tới tận bây giờ, vóc dáng tôi không quay lại được như xưa nhưng không ai chăm con giúp để đi tập tành cải thiện vóc dáng. Có lúc bạn bè trêu mình xấu xí này nọ, cũng bực bội lắm nhưng thôi chịu”, chị Hương kể.
Nhà không thuê người giúp việc, Hương quán xuyến tất cả công việc từ nấu cơm, giặt giũ, dọn nhà, chăm con… Vì quá bận rộn, Hương bớt trau chuốt, bớt làm đẹp, chỉ chú tâm chăm lo bữa cơm gia đình thật ngon, nhà cửa gọn gàng ngăn nắp… Riêng bản thân, Hương thường mặc quần áo ở nhà tiện lợi cho việc di chuyển nhiều. Điều này lâu dần khiến Hương mất vẻ quyến rũ như trước. Tuy nhiên, điều khiến chị buồn là chuyện khác. Có lần, Hương vô tình nghe mẹ chồng “than” với hàng xóm: Con dâu ăn bám chồng, không làm ra được đồng tiền, chỉ biết ru rú ở nhà không được tích sự gì. Hương chực trào nước mắt. Chị tâm sự: “Có lẽ, tôi đã sai khi bỏ quên bản thân mình quá lâu, khi rời xa công việc và nhiều mối quan hệ bên ngoài. Chồng thì hiểu và thương vợ nhưng mẹ chồng lại có suy nghĩ khác. Việc chấp nhận ở nhà, hy sinh vì chồng vì con, giờ có lúc lại khiến tôi cảm thấy như mất đi giá trị, vô dụng. Có phải tôi nên thay đổi, cần yêu thương bản thân nhiều hơn chăng?”.
Đến dự đám cưới lần hai của người bạn, nhìn đứa con của anh và người vợ trước cũng là bạn thân với mình, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (ngụ quận 9, TPHCM) rơm rớm. Chị kể: “Mới chưa đầy 1 năm trước, bạn mình qua đời để lại chồng và con bé 9 tuổi. Cô ấy bị bệnh nặng rồi đột ngột mất. Đó là một người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó, cái gì cũng suy nghĩ cho chồng con và người lớn trong nhà. Bệnh vậy mà không chịu đi khám rồi chữa trị, sợ chồng phải nặng gánh lo toan, rồi không muốn bỏ bê con nhỏ, cứ chịu đựng một mình. Cuối cùng thì sao? Ngày mất, chồng khóc ngất lên ngất xuống, bảo rằng không thể sống nổi khi thiếu vợ trong đời. Vậy mà giờ, chưa đầy 1 năm ảnh đã lấy vợ khác”.
Trách đàn ông cũng không được, bởi người mất thì đã mất, người sống vẫn phải tiếp tục cuộc đời. Với nhiều phụ nữ, việc lo cho gia đình là nghĩa vụ phải thực hiện, đến mức quên đi bản thân. Mà nào phải cứ hy sinh là tốt, cứ nhịn ăn nhịn mặc lo chồng con, còn mình ăn gì cũng được, mặc gì ra đường cũng xong là hay.
Bỏ khái niệm hy sinh
Chị Lê Thị Lan Anh (29 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Đó giờ, tôi thường hay nghe ba mẹ nói, sau này lấy chồng phải biết hy sinh, biết nhẫn nhịn, nghe lời chồng như chị gái, nếu không sẽ ế suốt đời. Nhưng khi nhìn chị gái tôi suốt ngày bận rộn phía sau gian bếp, thấm đẫm mồ hôi và nhiều nhọc nhằn, ít ngày vui, nhiều ngày buồn, tôi từng tự hỏi: Sống như chị có hạnh phúc thật không?”.
Lan Anh nói thêm về quan điểm của mình: Phụ nữ bây giờ đã không quá nặng nề kiểu cam chịu. Tôi khác chị hai và tôi cũng không muốn chỉ ở trong bếp. Mình có khả năng mà, phải ra xã hội nhiều hơn, làm này làm kia, có vị trí nhất định trong xã hội. Phải yêu thương mình, dám thể hiện mình. Mỗi phụ nữ đóng vai trò quan trọng lắm, nên là kiểu gì cũng phải khỏe đẹp, tự tin làm tốt công việc của mình, sau đó chăm sóc cho những người khác. Còn sau này có gia đình, nếu thấy không được trân trọng, không tìm được tiếng nói chung thì tôi cũng sẵn sàng từ bỏ.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy, trong xã hội hiện đại, tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình mà người phụ nữ có thể lùi lại chăm lo con cái, chăm lo chuyện bếp núc, hoặc có thể ra xã hội nhiều hơn. Nhưng nhìn chung, xu hướng phụ nữ hiện đại ra ngoài phát triển chuyên môn ngày càng nhiều. “Nếu có lời khuyên rằng phụ nữ hãy hy sinh bản thân thì đó là lời khuyên không đúng. Chúng ta quên đi bản thân là tự mình rời bỏ hạnh phúc của chính mình. Không có khái niệm hy sinh mà là chuyện vợ chồng cùng nhau phát triển, cùng phấn đấu, cùng giúp đỡ nhau. Chuyện một người hy sinh, một người không sẽ làm mất cân bằng trong gia đình. Một bên sẽ càng trở nên yếu thế, mất dần tiếng nói. Bên còn lại cũng sẽ không cảm thấy thoải mái, thậm chí là khó chịu nếu như mình không đối tốt lại được. Sự hy sinh này sẽ làm khó cho cả hai. Phụ nữ cần phải chăm lo thật tốt cho bản thân mình trước, sau đó toàn vẹn cho gia đình”, chị Thúy chia sẻ.
Phụ nữ hôm nay đã, đang có những bước chuyển mình rõ rệt, biết chăm sóc sức khỏe, quan tâm đến bản thân nhiều hơn từ ngoại hình cho đến đời sống tinh thần. Họ năng động, tự lập tài chính, độc lập trong suy nghĩ và có vị trí ngoài xã hội. Dù có như thế nào cũng đừng đưa khái niệm hy sinh vào đời sống gia đình nữa. Hãy yêu mình, sống rực rỡ lên.