Hết lòng với cộng đồng

Khi nghỉ hưu, ông Đinh Đình Tuân, cán bộ Phòng Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM, vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Trước thực trạng cư xá Đường Sắt (khu phố 6, phường 1, quận 3, TPHCM) còn rất phức tạp, chưa đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn phòng cháy, ông Tuân quyết định tham gia Ban điều hành khu phố để chung tay gỡ khó với chính quyền địa phương.
Hết lòng với cộng đồng

Khi nghỉ hưu, ông Đinh Đình Tuân, cán bộ Phòng Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM, vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Trước thực trạng cư xá Đường Sắt (khu phố 6, phường 1, quận 3, TPHCM) còn rất phức tạp, chưa đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn phòng cháy, ông Tuân quyết định tham gia Ban điều hành khu phố để chung tay gỡ khó với chính quyền địa phương.

Ông Đinh Đình Tuân, Bí thư chi bộ, Trưởng ban điều hành khu phố 6 (phường 1, quận 3, TPHCM)

Với nghiệp vụ công an, ông Tuân đề xuất Đảng ủy, UBND phường 1 cho tiến hành việc lắp đặt camera thí điểm ở hẻm 611 Điện Biên Phủ (liên thông với các tuyến đường Lý Thái Tổ, Nguyễn Thiện Thuật). Khi đã được đồng ý chủ trương, việc thực hiện cũng không đơn giản, phải khảo sát con hẻm, tình hình dân cư, thăm dò giá cả, chi phí lắp đặt… để có thể chọn doanh nghiệp thực hiện với thiết bị tốt nhất, chi phí thấp nhất. Con hẻm dài 700m, cần 16 camera để hình ảnh toàn bộ con hẻm được các camera ghi nhận rõ ràng. Ước tính để lắp đặt camera, mỗi hộ phải đóng góp khoảng 1 triệu đồng. Với các hộ khó khăn thì phải có chính sách huy động thích hợp. Ban ngày gặp, vận động các hộ dân chưa đủ, ông Tuân đã tranh thủ buổi tối đến từng hộ để kiên trì giải thích, vận động. Các ý kiến của bà con về việc huy động kinh phí và việc lắp đặt camera đều được ông Tuân giải thích cặn kẽ. Sau gần nửa tháng kiên trì vận động, ông Tuân đã thuyết phục được 80/130 hộ dân đồng tình. Ông Tuân họp dân để nói thêm về việc tự quản lý, sử dụng camera, hứa hẹn sẽ công khai, minh bạch các khoản đóng góp của người dân và chi phí thực hiện. Ngay sau buổi họp, chứng kiến các công nhân kỹ thuật khẩn trương lắp đặt camera, nhiều người dân đến ngay trụ sở Ban điều hành khu phố đóng tiền. Hình ảnh ghi nhận từ camera truyền về máy chính ở UBND và Công an phường 1 đã hỗ trợ tích cực cho việc nắm bắt và kịp thời chấn chỉnh tình hình.

Nhà cửa trong cư xá Đường Sắt được xây dựng bằng vật liệu nhẹ. Dân số tăng, nhiều căn nhà tạm bợ mọc lên, hệ thống thoát nước bị quá tải, cứ mưa là ngập. Con hẻm 633 Điện Biên Phủ được phường chọn làm thí điểm chỉnh trang. Ông Tuân cùng với cán bộ các ban, ngành, đoàn thể của địa phương lại đến từng nhà dân để vận động kinh phí làm cống thoát nước, hiến đất mở rộng hẻm và tráng xi măng hẻm. Ở đô thị “tấc đất, tấc vàng”, việc thuyết phục người dân hiến đất rất gian nan, vậy mà rồi cũng vận động được. Trước đây, con hẻm 633 Điện Biên Phủ có chiều ngang chỉ 1m, nay đã được mở rộng gần 2m.

Ông Tuân tâm sự: “Bà con ở khu cư xá Đường Sắt rất nghèo, nhưng khi tôi kiên trì thuyết phục, phân tích về lợi ích chung khi đường hẻm được mở rộng thông thoáng, bà con đã đồng tình hiến đất. Tôi đã dành nhiều thời gian để vận động từ người già đến trẻ. Ngày khởi công công trình mở rộng hẻm, ai nấy đều phấn khởi. Chúng tôi cũng vận động được sự hỗ trợ hệ thống chiếu sáng công cộng. Nay đường hẻm rộng rãi, khang trang, không còn cảnh ngập nước nữa”. Ông Trần Vinh Quang, Chủ tịch UBND phường 1, nhận xét: “Ông Tuân là Bí thư chi bộ khu phố kiêm Trưởng ban điều hành khu phố. Dù tuổi đã cao, nhưng ông không quản ngại khó khăn, rất kiên trì, nhiệt thành trong các hoạt động chăm lo đời sống người dân. Chính vì vậy, ông có uy tín, tạo được sự đồng thuận cao trong khu phố”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục