Hiến pháp EU không "chết"

Hiến pháp EU không "chết"

Ngay sau khi Chính phủ Anh quyết định đình chỉ kế hoạch tiến hành trưng cầu ý dân tại nước này về bản Hiến pháp liên minh châu Âu (EU), ban đầu dự kiến tổ chức vào mùa Xuân năm 2006, Thủ tướng Anh Tony Blair vẫn khẳng định mặc dù gặp khó khăn, văn kiện quan trọng của EU vẫn có thể được cứu vãn. Ông cũng khẳng định sự ủng hộ của ông đối với bản Hiến pháp này. 

Hiến pháp EU không "chết" ảnh 1

Trưng cầu dân ý về Hiến pháp châu Âu

Theo ông, Hiến pháp EU là văn kiện gây nhiều tranh cãi và vì vậy, các nước EU cần đưa ra những luật lệ mới giúp cho tổ chức này vận hành một cách suôn sẻ sau khi mở rộng vào năm ngoái. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jack Straw cho biết Chính phủ nước ông chưa thể ấn định thời gian tiến hành trưng cầu ý dân về bản hiến pháp này chừng nào các nguyên thủ EU chưa thảo luận các biện pháp tiếp theo tại cuộc gặp cấp cao tuần tới.
 
 Phản ứng trước quyết định hoãn trưng cầu ý dân ở Anh (nước sẽ đảm nhận chức Chủ tịch EU trong vòng 6 tháng tới, bắt đầu từ tháng 7), Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Catherine Colonna  nêu rõ đây là vấn đề dân chủ và không một nước thành viên EU nào có thể quyết định thay cho nước khác hay cản trở tiến trình phê chuẩn văn kiện đã được 25 nước thành viên ký. Bà cũng khẳng định việc tiếp tục tiến trình phê chuẩn Hiến pháp EU là cần thiết.
 
 Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định việc quyết định có phê chuẩn Hiến pháp EU hay không, phê chuẩn bằng hình thức nào và bao giờ phê chuẩn phụ thuộc vào mỗi nước. Ông khẳng định Liên minh châu Âu sẽ duy trì quá trình mở rộng của mình như đã định, kể cả trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh bất cứ một sự điều chỉnh nào đều phải được đưa ra để tất cả các nước thành viên EU xem xét.
 
 Thủ tướng Luxembourg (nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU) Jean-Claude Juncker nêu rõ quyết định hoãn trưng cầu ý dân ở Anh có nghĩa là bản Hiến pháp "không chết" vì nước này chỉ tạm hoãn để có thời gian xem xét lại văn kiện này.
 
 
 Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen tuyên bố nước ông sẽ chờ kết quả của cuộc gặp cấp cao EU ngày 16-17-6 tới rồi mới quyết định có nên tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề này vào ngày 27-9 theo kế hoạch hay không.
 
 Thủ tướng Czech Paroubek cũng cho rằng việc Anh hoãn trưng cầu ý dân về Hiến pháp cùng với việc Pháp và Hà Lan bác bỏ bản Hiến pháp khiến Czech chưa thể tiến hành bỏ phiếu về văn kiện này vào thời điểm hiện nay.
 
 Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Adam Rotfeld  nêu rõ Ba Lan vẫn sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về văn kiện này kể cả khi Anh quyết định hoãn làm việc này vì Pháp, Hà Lan hay Anh không thể quyết định thay cho Ba Lan.
 
 Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trong nội bộ EU ngày càng lan rộng và trầm trọng hơn, ngày 6-6, tại Strasbourg (Pháp) đã khai mạc phiên họp toàn thể Nghị viện châu Âu. Dự kiến, trong 4 ngày họp, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận vấn đề Hiến pháp EU, các biện pháp khắc phục cuộc khủng hoảng được coi là trầm trọng nhất trong lịch sử EU, vấn đề ngân sách EU, việc tăng cường các biện pháp chống khủng bố quốc tế, chính sách năng lượng của EU.

L.Q (theo TTXVN)
 

Tin cùng chuyên mục