Từ hôm nay 5-10, Hiệp định tự do thương mại Á - Âu chính thức có hiệu lực. Ngày 4-10, Tổng Lãnh sự quán Liên bang Nga đã tổ chức họp báo về vấn đề này.
Ông Ivan Gumnikov, đại diện thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, ngay khi Hiệp định tự do thương mại Á - Âu có hiệu lực, 2/3 dòng thuế hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước trở về 0%. Trong vòng 5 - 10 năm tiếp theo, những dòng thuế hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục về 0%. Những dòng thuế hàng hóa đưa về 0% hiện tại cũng đang chiếm 90% loại sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu hai bên. Các doanh nghiệp Nga sẽ chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vốn là thế mạnh như thịt, sữa, bột mì, phân bón, dầu khí và những sản phẩm từ dầu, ô tô các loại, thép, thiết bị máy móc… Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga đang xúc tiến liên doanh hợp tác với nhiều doanh nghiệp Việt Nam để thành lập liên minh hợp tác, nhằm đưa ô tô Nga chính thức đứng chân vào thị trường ô tô Việt Nam vốn rất nhiều tiềm năng. Hai dòng ô tô được lựa chọn để doanh nghiệp Nga đẩy mạnh nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian tới là xe UAZ (U-Oat) và Kmar.
Sau khi hiệp định có hiệu lực, hàng dệt may, da giày và thủy sản vào thị trường Nga sẽ tăng 30% - 50%.
Việc hiệp định thương mại có hiệu lực cũng được đánh giá là hỗ trợ hàng Việt Nam vào thị trường Liên bang Nga tốt hơn, nhất là nông sản, thực phẩm, thủy sản, công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày. Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau khi hiệp định có hiệu lực, hàng dệt may, da giày và thủy sản vào thị trường Nga sẽ tăng 30% - 50%, do thuế suất giảm từ mức hiện tại từ 35% (thủy sản), 10% - 18% (dệt may, da giày) xuống còn 0%. Mặt khác, việc cấm vận nhiều mặt hàng từ châu Âu vào Nga đã tạo ra một khoảng trống lớn về nguồn cung hàng hóa tại thị trường Nga. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường này.
Đại diện Liên bang Nga cho biết thêm, hiện các nước thành viên hiệp định thương mại đang gấp rút cải thiện quy trình thông quan theo hướng thuận lợi, thống nhất và đơn giản, kết hợp đẩy nhanh triển khai hệ thống thương mại điện tử để tạo điều kiện thông thương hàng hóa giữa các nước thành viên. Thị trường Nga cũng đã chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền nội tệ của hai nước thay cho ngoại tệ trung gian để thúc đẩy thương mại tốt hơn.
Cùng với sự hợp tác này, thương mại hai bên dự kiến sẽ tăng 8 - 9 tỷ USD trong vòng 5 - 7 năm tới. Được biết, trong 2 năm trở lại đây, kim ngạch hai chiều giữa Nga và Việt Nam đã tăng 5% - 7%/năm. Nga chủ yếu xuất khẩu máy móc tăng 6%, khoáng sản 10% - 12%, công nghiệp hóa chất tăng 6% - 8%. Nga nhập khẩu tại Việt Nam các sản phẩm như thiết bị điện tử tăng 50% - 60%/năm, may mặc tăng khoảng 6%/năm, hàng nông sản thực phẩm 16% - 18%/năm. Việt Nam là đối tác đầu tiên mà các nước thuộc kinh tế Á - Âu chấp nhận để trở thành đối tác. Điều này nói lên tầm quan trọng của Việt Nam trong vị trí đối tác kinh tế đối với Nga, hy vọng thúc đẩy mạnh thương mại, giao thương giữa hai bên. Cũng phải nói thêm rằng, thị trường Việt Nam với dân số 90 triệu người là thị trường rất hấp dẫn với nhà đầu tư Nga (dân số của Nga là 170 triệu người).
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết để đón đầu hiệu lực Hiệp định tự do thương mại Á - Âu, trước đó, Sở Công thương đã lên kế hoạch tổ chức xúc tiến kết nối sản phẩm Việt Nam với thị trường Nga. Theo đó, từ ngày 6 đến 14-10, sở sẽ dẫn đoàn gồm 41 doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thủy hải sản sang giao thương, tìm đối tác tại Trung tâm Thương mại Hà Nội - Mátxcơva (Nga).
Hiệp định tự do thương mại Á - Âu được ký kết dựa trên tinh thần hợp tác giữa các bên. Để hiệp định ra đời, thời gian đàm phán kéo dài 6 năm, bắt đầu từ năm 2009. Từ 2010 - 2015, thành lập tổ công tác với các chuyên gia từ Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia. Sau năm 2013, việc thương thảo giữa Việt Nam và Liên bang Nga được đẩy tích cực hơn; đến năm 2015, hiệp định được thông qua. Hiệp định cũng đề cập đến các vấn đề bảo vệ quyền lợi các bên hướng đến sự phát triển bền vững, thương mại điện tử và bảo vệ khỏi những cạnh tranh không lành mạnh.
ÁI VÂN