Hiệp ước quốc tế chống chọi các đại dịch tương lai

Lãnh đạo 23 quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ủng hộ ý tưởng hình thành một hiệp ước quốc tế có thể giúp thế giới đối phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai, như đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành trên toàn cầu.
Rừng nhiệt đới bị phá hủy ở Indonesia
Rừng nhiệt đới bị phá hủy ở Indonesia

Không quốc gia nào có thể tự giải quyết

Một hiệp ước quốc tế sẽ đảm bảo sự tiếp cận mang tính minh bạch giữa các quốc gia về những cảnh báo, chẩn đoán y tế liên quan đến dịch bệnh, đồng thời đảm bảo sự công bằng đối với việc phân phối vaccine, thuốc men nhằm ngăn dịch, là ý tưởng do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11-2020. Đến ngày 30-3-2021, ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ chính thức của WHO và một loạt các nhà lãnh đạo quốc gia như Fiji, Bồ Đào Nha, Romania, Anh, Rwanda, Kenya, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hàn Quốc, Chile, Costa Rica, Albania, Nam Phi, Trinidad và Tobago, Hà Lan, Tunisia, Senegal, Tây Ban Nha, Na Uy, Serbia, Indonesia, Ukraine...

Các đại dịch trong tương lai được dự báo sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, lây lan nhanh hơn, gây chết chóc nhiều hơn và gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế thế giới so với Covid-19. Trong thông cáo chung vừa được công bố, các nhà lãnh đạo đều nhất trí cho rằng có nguy cơ xuất hiện những đại dịch khác cũng như những tình huống khẩn cấp về y tế mà không một chính phủ hoặc cơ quan đa phương nào có thể tự giải quyết, do đó các quốc gia nên hợp tác cùng nhau để hướng tới một hiệp ước quốc tế về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Covid-19 là đại dịch toàn cầu thứ 6 kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, và dù nó có nguồn gốc từ động vật, giống như tất cả các đại dịch khác, nhưng sự xuất hiện của dịch bệnh này được cho là do các hoạt động của con người thúc đẩy.

Tập trung phòng ngừa 

Nguy cơ đại dịch có thể được giảm thiểu đáng kể thông qua việc giảm các hoạt động gây mất đa dạng sinh học của con người, bằng cách bảo vệ tốt hơn các khu bảo tồn và thông qua các biện pháp nhằm giảm khai thác không bền vững tại các vùng có đa dạng sinh học cao. 
Một nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi rừng toàn cầu, công bố ngày 30-3 cho thấy, diện tích rừng nguyên sinh bị đốt hoặc chặt phá trong năm 2020 tương đương diện tích Hà Lan. Trong năm 2020, có tới 4,2 triệu ha rừng nguyên sinh tại các vùng nhiệt đới bị phá hủy, cao hơn 12% so với năm trước đó. Tính tổng cộng trong năm 2020 các khu vực nhiệt đới đã bị mất 12,2 triệu ha diện tích cây xanh, bao gồm các khu rừng và đất trồng cây.

Con người có thể thoát khỏi kỷ nguyên của các đại dịch, nhưng điều này đòi hỏi chúng ta tập trung nhiều hơn vào công tác phòng ngừa bên cạnh các biện pháp đối phó. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ, để có thể giải quyết nhiều thách thức toàn cầu nghiêm trọng mà thế giới đang đối mặt, tiêu biểu như đại dịch Covid-19, cần phải có kế hoạch phân phối vaccine trên phạm vi toàn cầu. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cho biết đã đề xuất Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lập một nhóm đặc nhiệm khẩn cấp giúp phát triển và điều phối kế hoạch nói trên. Tuy nhiên, để ứng phó với biến đổi khí hậu, người đứng đầu LHQ cũng đề nghị Mỹ cần đi đầu trong công việc trên, nhất là khi LHQ đã đặt ưu tiên của năm 2021 là xây dựng liên minh toàn cầu nhằm trung hòa mức khí thải vào năm 2050.

WHO đã công bố một bản báo cáo về nguồn gốc của dịch Covid-19 dài 120 trang nhận định “có khả năng hoặc rất có khả năng” bệnh lây qua một vật chủ trung gian; “cực kỳ ít khả năng” bệnh phát sinh từ một sự cố phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh, tất cả các giả thuyết trên vẫn để ngỏ, “mặc dù nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng rất ít khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, song điều này đòi hỏi phải được điều tra thêm, đặc biệt cần thêm sự vào cuộc của giới chuyên gia”.

Tin cùng chuyên mục