Hiệu quả với Ewater

Tại sự kiện Techmart nông nghiệp 2019 vừa diễn ra tại TPHCM, trong số hàng trăm thiết bị - công nghệ được giới thiệu, người xem bị thu hút bởi hệ thống Ewater do Công ty TNHH Ewater Engineering sản xuất.

Ewater sử dụng sóng điện từ tần số thấp, tạo trường cảm ứng để ion hóa nước, làm tăng độ hòa tan của nước, giúp rễ cây hấp thụ dinh dưỡng dễ hơn, đồng thời làm giảm khả năng tích tụ muối trong đất.

Thiết bị Ewater được giới thiệu tại Techmart 2019
Ảnh: T.BA
 Dành cho nông nghiệp


Hiện Ewater có 2 phiên bản gồm EB 341 (lưu lượng nước 3,6m³/giờ) và EB 342 (lưu lượng nước 7,2m³/giờ), đáp ứng đa dạng nhu cầu xử lý và cung cấp nước ion cho trang trại.
 
Ewater sử dụng sóng điện từ tần số thấp để tạo ra một trường cảm ứng trong lòng ống nước. Sóng điện từ này sẽ cung cấp năng lượng thích hợp để ion hóa nước và làm thay đổi cấu trúc phân tử của nước tưới cây trồng; qua đó làm giảm độ cứng trong nước và đất, tăng độ hòa tan của nước, giúp nước hấp thụ vào lòng đất dễ dàng hơn và góp phần cải thiện cấu trúc đất, tiết kiệm lượng nước tưới đến 10% - 15% so với kiểu dẫn nước thông thường.

Về nguyên lý hoạt động, từ trường phát ra từ thiết bị của Ewater sẽ phân tách các phần tử nước trở nên nhỏ hơn nên nước và chất dinh dưỡng dễ hấp thụ vào rễ cây, giúp cây trồng sống khỏe hơn. Thực nghiệm tại một số nông trại cho thấy tốc độ tăng trưởng của rau xanh tăng đến 5% - 10% so với cách tưới nước không qua xử lý bằng Ewater. Nếu lắp thiết bị Ewater trên đường ống nước trồng rau thủy canh sẽ giảm đáng kể hao hụt dinh dưỡng vì khoáng chất sẽ không bám trên đường ống. 

“Đặc biệt, quá trình ion hóa nước của thiết bị Ewater hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào nên rất an toàn và không tác động đến môi trường sinh trưởng của cây trồng. Thêm vào đó, chi phí điện năng cho thiết bị khá thấp, chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng tiền điện suốt 1 năm sử dụng. Bởi vậy, Ewater rất hiệu quả trong việc xử lý nguồn nước cung cấp cho các hệ thống trồng rau thủy canh, hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới rau củ quả”, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Ewater Engineering, cho biết. 

Đặc biệt, nước bị nhiễm mặn vẫn hiệu quả khi dùng thiết bị này do dưới tác dụng của từ trường tạo ra, những hạt nước được phân tách sẽ làm mất tính kết dính của các muối hòa tan đó, khiến chúng không thể tích tụ trong khe đất mà sẽ bị rửa trôi xuống tầng đất dưới bộ rễ, từ đó cây vẫn hấp thụ được nước và dinh dưỡng một cách tốt nhất cho sự phát triển.

Và công nghiệp

Sau gần 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất, Công ty TNHH Ewater Engineering còn đưa ra thị trường hệ thống thiết bị xử lý cáu cặn, rong rêu không dùng hóa chất cho các tháp giải nhiệt. Thiết bị này hút các ion trong nước trước khi đạt bão hòa nên ion này không có cơ hội bám dính vào thiết bị trao đổi nhiệt. Công nghệ này đã được công ty chuyển giao, lắp đặt cho một số doanh nghiệp như Công ty TNHH FUJITSU Việt Nam (Đồng Nai), Công ty TNHH MTV Công nghiệp MASAN (Bình Dương), Công ty TNHH Hải Nam và tại nhiều khu vực khắp cả nước. 

Thông thường, cáu cặn được hình thành tự nhiên trong quá trình sản xuất, vận hành hệ thống lò hơi. Các chất cặn bẩn kết tủa lại gây ra hiện tượng tắc nghẽn đường ống, làm giảm hiệu suất dẫn nhiệt trong hệ thống, dẫn đến lò hơi bị quá nhiệt gây hư hỏng hoặc nguy hiểm hơn có thể gây nổ. Sự tích tụ cặn bẩn trong lò hơi còn dẫn đến việc lớp vỏ kim loại bị ăn mòn, lâu dần sẽ gây rò rỉ hư hại đường ống, phải sử dụng hóa chất để xử lý hoặc sử dụng giải pháp vật lý… các giải pháp này thường có chi phí cao, khó vận hành chính xác.
 
Trong khi đó, thiết bị Ewater ứng dụng định luật vật lý và trường điện từ để tạo ra một trường điện từ cảm ứng trong lòng ống. Với các tần số thay đổi liên tục từ 1,2 - 48 kHz, Ewater cung cấp năng lượng thích hợp để ion hóa nước và các chất gây cáu cặn, rỉ sét như Ca, Mg, Si, Fe, Mn, làm các chất này mất khả năng bám dính trên đường ống. Điện từ trường dao động sẽ cung cấp năng lượng để phân tách các phân tử nước, giải phóng electron ra khỏi hydro. Electron này là chất xúc tác làm cho các chất gây cáu cặn sẽ kết tủa trong nước và trung hòa về điện tích, trôi theo dòng xả đáy ra ngoài.


Với ưu điểm của công nghệ Ewater là không phải bảo trì, tiết kiệm từ 5% - 30% năng lượng, giảm 100% chi phí hóa chất… nên đã được ứng dụng rộng rãi để xử lý nước cho các lò hơi công nghiệp trong các ngành: may mặc, dệt nhuộm, chế biến thực phẩm, bia và nước giải khát, thủy sản, giấy, hạt điều… Ngoài ra thiết bị xử lý cáu cặn Ewater còn được xuất khẩu sang Malaysia, Indonesia…

Tin cùng chuyên mục