
(SGGP).- Ngày 7-7, hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may Việt Nam đã có buổi làm việc với doanh nghiệp Đức về việc hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất trong lĩnh vực dệt may.
Ông Thomas Waldmann, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Máy móc Dệt May (VDMA) nhấn mạnh, ngay sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, Việt Nam gần như là nhà cung cấp hàng dệt may duy nhất giữa các nước thành viên và là một nhà cung cấp hàng dệt may quan trọng vào Mỹ. Xuất phát từ thực tế này, các doanh nghiệp Đức đã giới thiệu đến doanh nghiệp Việt Nam hệ thống máy móc tiên tiến liên quan đến các lĩnh vực như kéo sợi, dệt kim và dệt sợi, vải không dệt, nhuộm và hoàn tất... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dệt may Việt Nam tạo ra các sản phẩm mới, cải tiến chất lượng của các loại sợi và vải cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may Việt Nam
Tuy nhiên, theo đại diện nhiều doanh nghiệp dệt may tham dự buổi kết nối công nghệ của Đức, sản phẩm của Đức có chất lượng tốt nhưng giá thành rất cao, vượt quá khả năng đầu tư của doanh nghiệp nội. Do vậy, để doanh nghiệp nội có thể đầu tư công nghệ tiên tiến, cải thiện hiệu suất sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất thiết phải có những chính sách hỗ trợ linh động về vốn đầu tư từ cấp Chính phủ hoặc từ các doanh nghiệp của Đức.
MINH XUÂN