
Ngay sau đêm đăng quang, chúng tôi đã tìm đến nhà Hoa hậu Những miền đất võ (HHNMĐV) Bùi Thị Thanh Thảo. Trở về với cuộc sống đời thường, với căn nhà ở xóm núi, khu vực 7, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, hoa hậu Thanh Thảo lại cùng gia đình đối mặt với bao lo toan đời thường.
Người đẹp “xóm núi”

Ông Vũ Hoàng Hà - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định trao phần thưởng cho Hoa hậu Bùi Thị Thanh Thảo.
Theo con đường lòng vòng dính đầy đất đỏ, chúng tôi đến nhà của người đẹp. Gọi là phố nhưng nhà của ông Bùi Văn Phát, ba của Thảo, ở tận trong hẻm của xóm núi Quy Nhơn. Đã quá trưa, mẹ của Thảo, bà Trần Thị Thu Dung vẫn còn đang bám chợ, bán cho hết mớ hàng rong. Chỉ có Thảo và bố ở nhà.
Hai bố con rất mệt khi các nhà báo đến thăm, mỗi lúc một đông. Ông Phát rưng rưng: “Gia đình tôi nghèo, tôi đạp xích lô, mẹ nó bán hàng rong, bé Thảo khổ từ lúc mới sinh ra. Nhà có 6 anh, chị em, 5 đứa đã có gia đình riêng, chỉ còn mình nó là út. Ngoài giờ đi học ở trường, bé Thảo gánh hết mọi công việc trong gia đình. Mặc cảm vì nhà nghèo, Thảo chỉ có vài đứa bạn thân hay đến nhà chơi, con bé ít giao lưu”.
Sợ con gái “ngại”, ông Phát dừng câu nói giữa chừng, rồi ông lái câu chuyện sang hướng khác. Ông kể: “Hôm nó thi ở vòng bán kết, gia đình được mời đến Nhà Văn hóa Lao động tỉnh để xem. Nhưng trong đêm chung kết, chúng tôi chẳng có giấy mời. Tôi với mẹ của nó ở nhà xem ti vi, còn mấy anh, chị nó chạy ra trước quảng trường xem màn hình ở bên ngoài. Gia đình cứ nghĩ nó lọt vào tốp 10 là nhất rồi, đâu ngờ lại được “làm” hoa hậu. Khi vừa công bố kết quả, đứa anh nó chạy về báo tin cho vợ chồng tôi mừng”.
Hành trình lên ngôi hoa hậu
Quê của Thảo ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Sau này để tìm kế sinh nhai mới, gia đình chuyển về Quy Nhơn.
Hồi còn là học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học, Thảo đã từng dự thi Nữ sinh thanh lịch, vậy mà, khi thông tin cuộc thi “HHNMĐV” được thông báo rộng rãi, Thảo cũng chẳng dám đăng ký đự thi. Mãi đến khi các thầy cô ở Trường Đại học Quang Trung động viên, Thảo mới tự tin nộp hồ sơ.
Thảo ngần ngại cho biết: “Em cũng mới bắt đầu học võ và những gì em có được hôm nay là nhờ sự chỉ bảo rất tận tình của các thầy. Thật tình khi đi thi, em xấu hổ lắm vì là “dân đất võ chính gốc” vậy mà không am tường về võ. Sau festival này, em đã tự hứa với mình, kỳ công luyện võ nhiều hơn. Nếu có điều kiện, em sẽ tích cực quảng bá võ cổ truyền Việt Nam”.
Võ sư Phạm Bá Toàn, người trực tiếp huấn luyện võ thuật cho Thảo, kể lại rằng: “Thảo rất say mê luyện võ và những bài biểu diễn của em rất có “thần”. Lúc đầu, tôi bày cho em bài “Thái Sơn côn”, sau đó chuyển sang bài “Chiến hồi thương”. Thảo tiếp thu rất nhanh và rất chịu khó tập luyện. Và trong đêm chung kết, Thảo rất thành công phần thi biểu diễn võ thuật với bài “Chiến hồi thương”.
Bùi Thị Thanh Thảo và bố của mình. | Luyện bài “Chiến hồi thương” với thầy dạy võ. |
Nhưng dấu ấn Thảo để lại chính là câu trả lời của phần thi ứng xử. Thảo đã thuyết phục được những vị giám khảo khó tính. Khi được hỏi rằng: “Theo em, cuộc thi HHNMĐV có nên tổ chức 2 năm 1 lần không? Tại sao?”, Thảo tự tin trả lời: “Em tự hào là người sinh ra và lớn lên ở đất võ. Theo em, nên tổ chức. Cuộc thi này không những tôn vinh vẻ đẹp bên ngoài mà còn tôn vinh vẻ đẹp trí lực, thần lực, thể lực của người phụ nữ Việt Nam. Võ thuật sẽ giúp cho người phụ nữ không chỉ mạnh mẽ bên trong, mà còn thể hiện bản lĩnh bên ngoài”.
Hiện là một sinh viên năm thứ hai ngành kế toán-Đại học Quang Trung , Thảo chỉ có mong ước, ra trường tìm được việc làm phù hợp với ngành học mình lựa chọn. Còn với câu hỏi: “Sau khi đoạt vương miện hoa hậu, bạn dự định sẽ làm điều gì trước tiên?”. Thảo cười rất tươi và trả lời dứt khoát: “Em đã có kế hoạch mở một cuộc quyên góp và trích một phần tiền thưởng của mình trao cho trẻ em nghèo, trẻ em bị chất độc da cam. Hoàn thành chương trình học ở trường là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng em sẽ tham gia nhiều hoạt động xã hội khác. Nhà em cũng rất nghèo, em rất hiểu những người đồng cảnh ngộ như em…”.
Nói tới đây, đôi mắt Thảo đỏ hoe, những giọt nước mắt trào ra… Cô gái vừa đoạt danh hiệu cao nhất của cuộc thi, lấp lánh thêm một vẻ đẹp khác: một tâm hồn giàu lòng yêu thương con người.
Hoàng Trọng