Vài ngày trước, trên đường đi làm về, tôi và anh bạn thấy một anh thanh niên bán hoa kiểng bên lề đường, liền ghé vào chọn mua hoa kiểng về chưng tết. Tôi mua 2 chậu đỗ quyên thật đẹp, còn anh bạn mua cây sung dáng thác đổ, trái chi chít từ gốc đến ngọn. Anh thanh niên nhiệt tình chỉ dẫn cách chăm sóc cây và còn cho số điện thoại di động bảo có gì cần tư vấn thì cứ gọi.
Mang 2 chậu đỗ quyên về nhà, tôi chăm sóc hết sức cẩn thận theo chỉ dẫn của người bán. Vậy mà mấy hôm sau, tôi thực sự bị sốc khi thấy những bông hoa màu đỏ quyến rũ đã rụng tả tơi, cuống hoa rũ rượi như bị tạt nước sôi. Lúc này tôi nhìn thật kỹ mới hay cuống hoa được gắn vào thân cây bằng keo dán sắt, nhưng dán rất tinh vi, khoét gắn sâu dưới lớp vỏ cây, khiến khó có thể phát hiện ngay được. Nhớ đến số di động của người bán hoa kiểng, tôi gọi nhưng đáp lại chỉ là tiếng ò í e vô cảm. Tôi thất vọng định gọi cho anh bạn để hỏi xem cây sung có bị như thế không, chưa kịp gọi thì anh ấy đã gọi cho tôi, nói rằng cây sung của anh ấy bị rụng hết trái, lá xác xơ, anh nhổ lên thử thì ra chỉ là cành sung chặt ra cắm vào chậu, không có rễ.
Chúng tôi kể chuyện bị lừa cho một người am hiểu về hoa kiểng, mới hay trên thị trường đang xuất hiện cách làm ăn lừa gạt người mua như thế, chỉ với một chút keo dán, họ có thể tạo nên nhiều cây đẹp mắt, có nhiều hoa trái, rồi giao cho những người bán dạo chở đi tiêu thụ. Do vậy khi mua hoa kiểng, chỉ nên mua ở các điểm bán uy tín; nếu mua của người bán dạo, phải chú ý xem kỹ cuống lá, cuống hoa xem có bị gắn hay nối không, cảnh giác với những cây khế, sung, thanh long dáng nhỏ mà có rất nhiều trái hoặc cây lộc vừng nhỏ mà buông rủ dày đặc hoa. Bởi người “chế tác” có thể làm cho cây không trái thành có trái chi chít quanh gốc và gắn thêm hoa lá. Lỡ mua nhầm cây giả, cây héo của người bán dạo không biết bắt đền ai, vì chẳng biết tìm người bán ở đâu. Vì thế, khi đi mua cây cảnh chơi tết người mua phải cảnh giác và trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu về loại cây định mua.
HIẾU THẢO