Hội Hoa Xuân TP Hồ Chí Minh

Hoa kiểng lên sàn đấu giá từ thiện

Hoa kiểng lên sàn đấu giá từ thiện

Đến nay đã có hơn 200 ngàn lượt khách tham quan Hội Hoa Xuân TP Hồ Chí Minh được tổ chức tại Công viên Tao Đàn. Nhiều người mang theo máy ảnh, quay phim để không chỉ ghi lại kỷ niệm với muôn sắc hoa kiểng của 4.000 hiện vật từ mọi miền đất nước tụ về, mà còn chăm chút từng góc cạnh như lấy cho hết nét đẹp hiếm có một lần đối diện trước những tác phẩm thiên nhiên vừa được “lên ngôi”… vàng!

Hoa kiểng lên sàn đấu giá từ thiện ảnh 1

Hai chú chó và thảm hoa, một trong những mảng trang trí tại Hội hoa xuân Bính Tuất. Ảnh: THÁI BẰNG

Tại Hội Hoa Xuân (HHX) Tao Đàn, khu trưng bày nhiều loài địa lan, lan rừng Việt Nam giàu màu sắc như lan hài, minota và nhiều loài phong lan mới nhập ngoại đã thu hút nhiều ống kính chuyên nghiệp và không chuyên. Rất đông người thay phiên đứng cạnh cây lan được gắn huy chương vàng mang mã số 07.274 để được ghi hình kỷ niệm. Hoa lan mang số 07.274 là Cattleya của nghệ nhân (NN) Phạm Ngọc Thân ở quận Phú Nhuận.

Giải vàng hoa lan năm nay có điều khá lý thú: trong 7 giải vàng, có 4 giải chia đều cho hai đơn vị mới phát triển mạnh phong trào chơi lan trong những năm gần đây là huyện Củ Chi và thị xã Bến Tre. Đó là hai hoa lan tổng hợp thân cao, vòi dài cho nhiều bông màu đỏ tía của NN Nguyễn Quang Tiếp và Phạm Văn Bơ; lan Phalaeopsis của Huỳnh Văn Ngân và Vanda… của Trần Kim Tuấn.

Có đến 192 NN giàu kinh nghiệm đã tham gia hội đồng giám khảo chấm thi các bộ môn bonsai, non bộ, tiểu cảnh, cây khô, đá tự nhiên, hoa lan, kiểng có hoa, hoa tươi, xương rồng, cá kiểng… tại HHX Tao Đàn. Trong số hàng ngàn hiện vật dự thi, hội đồng đã chọn 231 tác phẩm thiên nhiên đoạt giải thưởng với 33 giải vàng, 27 bạc, 24 đồng, 147 khuyến khích.

Trước đó, tất cả các tác phẩm dự thi đều chỉ được đánh mã số, chứ không ghi tên tác giả, địa chỉ hoặc xuất xứ địa phương. Do vậy, kết quả hội thi lần này đã bộc lộ đúng nghệ thuật của các tác phẩm.

Nhiều NN đoạt một lúc hai giải vàng, gồm: Võ Viết Hòa với bonsai kim quýt và linh sam; Phạm Văn Tuấn với non bộ “Bóng chiều xưa” và “Thái sơn êm đềm”; Nguyễn Văn Gia với tiểu cảnh “Bến xuân” và “Say xuân”; Nguyễn Anh Quân với đá tự nhiên “Ra khơi” và “Hạnh phúc”.

Những tác giả này đều sinh sống tại TPHCM. Ngoài ra, cá kiểng là lĩnh vực mà các NN TPHCM có tay nghề cao đã chia nhau các giải vàng như cá dĩa của Tân Xuân, cá vàng của Đặng Quốc Tú, cá la hán của Viễn Dương và Lâm Trọng Đức. Một gian hàng trưng bày đá và cây khô nghệ thuật của Lê Nguyễn Thiên Bình cũng đạt giải cao nhất.

Trong khi đó, ở các lĩnh vực khác, NN các tỉnh phía Nam lại vươn lên đoạt được nhiều giải vàng như: cây khô với chủ đề “Khát sống” và “Kỳ lân nghênh xuân” của NN Trần Văn Toàn (Long An) và Đỗ Duy Đạo (Lâm Đồng); kiểng mai nhỏ của Huỳnh Chẫm (Bình Dương); sứ cho hoa rất đẹp của Lê Văn Đực (Long An); đỗ quyên của Trần Đình Phúc (Đà Lạt); xương rồng Ariocarpus retusus của Ngọc Mai (Tiền Giang)…

Các giải vàng và hiện vật độc đáo khác đã lần lượt được chọn lên… sàn bán đấu giá tại HHX Tao Đàn vào tối mùng 8 Tết, được HTV truyền hình trực tiếp để gây Quỹ từ thiện “Chung một tấm lòng”.

Giải vàng “Ra khơi” của NN Nguyễn Anh Quân đã treo giá khởi điểm 10 triệu đồng. Cá vàng của NN Đặng Quốc Tú; cá la hán có sừng trên đầu, dòng chữ nho trên mình và đôi mắt đỏ rực của NN Viễn Dương cũng treo bảng đấu giá. Theo Ban tổ chức, còn nhiều hiện vật đang được chuẩn bị lên sàn…

Các nghệ nhân, mạnh thường quân và mọi người tham quan HHX đều có thể nhìn rõ hiện vật sống động để tham gia cuộc đấu giá với không khí chắc sẽ đầy lý thú, bất ngờ tại HHX lần thứ 26 của TPHCM.

THU BÌNH

Tin cùng chuyên mục