Họa sĩ trẻ gian nan trụ lại với nghề

“Các họa sĩ trẻ đang làm gì?”, “Họa sĩ trẻ đang nghĩ gì?”, “Họa sĩ trẻ Việt Nam sống bằng gì?”, “Vì sao Việt Nam chưa có họa sĩ lớn?”… là tựa đề các bài báo trong thời gian gần đây và cũng là các vấn đề, câu hỏi lớn, nhức nhối không chỉ cho ngành mỹ thuật - đào tạo Việt Nam, mà còn cho cả xã hội.
Họa sĩ trẻ gian nan trụ lại với nghề

“Các họa sĩ trẻ đang làm gì?”, “Họa sĩ trẻ đang nghĩ gì?”, “Họa sĩ trẻ Việt Nam sống bằng gì?”, “Vì sao Việt Nam chưa có họa sĩ lớn?”… là tựa đề các bài báo trong thời gian gần đây và cũng là các vấn đề, câu hỏi lớn, nhức nhối không chỉ cho ngành mỹ thuật - đào tạo Việt Nam, mà còn cho cả xã hội.

Đủ nghề tay trái

Họ thuộc thế hệ họa sĩ 7x, 8x, chưa già cũng không còn trẻ nữa, tốt nghiệp các khoa hội họa sáng tác như Sơn dầu, Sơn mài Đại học Mỹ thuật TPHCM. Họa sĩ Nguyễn Danh Lam đi làm báo, hiện là biên tập viên Báo Mực Tím; họa sĩ Nguyễn Ngọc Thuần lại nổi tiếng bởi các tác phẩm văn chương, sau một thời gian lăn lộn với nghề vẽ minh họa, hiện “bình ổn” với công việc trình bày ở Báo Tuổi Trẻ. Tương tự, họa sĩ Châu Giang trở thành biên tập viên cho NXB Kim Đồng, Ly Hoàng Ly giữ chân biên tập mảng sách thiếu nhi ở NXB Trẻ và theo đuổi lĩnh vực mỹ thuật đương đại Performance (trình diễn), Installation (sắp đặt). Họa sĩ Trần Kiến Quốc sau thời gian trình bày Báo Người Lao Động, tiếp tục lăn lộn, lao đao với nghề thiết kế mỹ thuật cho phim cùng với các họa sĩ đồng nghiệp khác như Trần Xuân Chức, Bùi Bảo Quốc, Lý Tiến Dũng… giờ đang chật vật trở lại với hội họa giá vẽ. Các họa sĩ tốt nghiệp chính quy các trường thiết kế như Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên… lại trở thành nhà báo, biên tập viên.

Không có nhiều tác phẩm của họa sĩ trẻ được dư luận quan tâm (Một góc phố tranh Bùi Viện, TPHCM)

Cá biệt, họa sĩ Nguyễn Thanh Hùng trở thành nhạc công, hiện chơi guitar cho các quán cà phê; họa sĩ Chu Thị Mỵ trở thành sáng tạo ý tưởng cho một công ty truyền thông. Các họa sĩ Nguyễn Xuân Việt mở công ty chuyên thiết kế website; Phan Nguyên Lãm đi làm gốm; Lê Huy Cửu mở xưởng mộc; Phạm Gia Hợp chọn thiết kế và xây dựng nhà; Nguyễn Kim Hoàng trở thành chủ quán cà phê… Số đông họa sĩ khác chọn nghề đi dạy để kiếm sống như Nguyễn Tường Thanh, Lương Lưu Biên, Nguyễn Ngọc Đan, Trần Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Hồng Nhung… Tất cả họ vui hoặc không vui với nghề tay trái, nhưng đa số hài lòng cho đó là phương tiện kiếm sống, từ đó, nuôi dưỡng trong lòng ngọn lửa đam mê hội họa sáng tác, hứa hẹn một ngày quay trở lại và “lợi hại hơn xưa”.

Giấc mơ xa vời

Thế nhưng, cuộc sống cứ cuốn họ trôi xuôi mãi, chỉ còn công việc và công việc, rồi gia đình, con cái… khiến giấc mơ sáng tác ngày càng xa vời. Và rồi một ngày bất chợt ngoảnh lại, họ mới chấp nhận mình thua cuộc mưu sinh, đành tiếp tục thả trôi niềm đam mê, khát vọng đâu đó vẫn còn cháy bỏng trong lòng mình.

Chỉ một số rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay các họa sĩ đủ điều kiện vật chất cũng như tinh thần mới có thể “lì lợm”, thẳng một đường mà đi, không thể hay không chịu ngó nghiêng, chỉ kiên tâm, bền chí với nghề, với nghiệp vẽ mà mình đã chọn như Nguyễn Mậu Tân Thư, Nguyễn Thúy Hằng, Lim Khim Katy, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Minh Tâm, Lã Huy, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Phan Vũ Linh, nhóm họa sĩ chuyên vẽ tranh tường Thái Vương… Phía Bắc có các họa sĩ Hoàng Duy Vàng, Vũ Đức Trung, Lê Chí Hiếu, Lê Thị Minh Tâm, Nguyễn Khắc Chinh, Lê Quang Thân, Lê Trần Anh Tuấn, Nguyễn Thái Thăng… Tuy nhiên, như bao nhiêu ngành nghệ thuật khác, các tài năng thực thụ, các tác phẩm thực sự giá trị luôn hiếm hoi. Để sống được và trụ lại với nghề, các họa sĩ rất cần đầu ra cho các tác phẩm của mình, chính xác là bán được tranh để tái đầu tư trí tuệ, chất xám. Không ít họa sĩ vẽ rất nhiều nhưng kết quả, tức số lượng tác phẩm thực sự giá trị  không được bao nhiêu. Thậm chí không thiếu những tác phẩm vô thưởng vô phạt, không mang thông điệp gì, chẳng nói lên được tiếng nói của thời đại mình đang sống, bầu không khí mình đang thở.

Những chiếc áo rộng

“Nên làm những gì đúng với cơ địa và phẩm chất riêng có, nếu cố sẽ lố bịch, như cái áo không vừa. Mà bản chất của mỹ thuật thì như nhiên, như trẻ thơ nguệch ngoạc vẽ nặn gì cũng đẹp”, nhà phê bình mỹ thuật Cao Linh chia sẻ. “Đừng nên phân vân, trăn trở quá mức về thế nào là tranh nghệ thuật, thế nào là tranh thị trường, vì dễ dẫn đến tình trạng nhập nhằng, cùng là cái tranh ấy, lúc bán được thì bảo là tranh thị trường, lúc không bán được thì lại bảo là tranh nghệ thuật. Nghệ sĩ cứ làm việc hết sức mình, với tâm trạng thật thoải mái là tốt nhất” - họa sĩ Thành Chương nhắn nhủ. “Bây giờ họa sĩ rất sướng vì họa phẩm phong phú, được tự do thể hiện tư tưởng… Kể từ thời kỳ đổi mới, họa sĩ trong nước có nhiều hơn sự lựa chọn nơi giới thiệu tác phẩm, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các phòng triển lãm trong và ngoài nước, các đại sứ quán, các trung tâm văn hóa nước ngoài hỗ trợ thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, các nhà tổ chức triển lãm, nhà sưu tập quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm nghệ sĩ và tác phẩm mới… Nên rào cản duy nhất nếu có, đó chính là bên trong các họa sĩ trẻ” - họa sĩ Thành Chương phân tích.

Họa sĩ Lê Trọng Lân, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ngành hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam gợi ý: “Nghệ thuật phản ánh tâm trạng họa sĩ, đồng thời cũng cần chuyển tải những thông điệp và dự cảm xã hội và người trẻ vốn nhạy cảm với thời cuộc. Chúng ta có thể chấp nhận sự thiếu chuẩn mực về mặt nghề nghiệp, song, cảm xúc và khát vọng bắt buộc phải có. Xã hội, đất nước đang có nhiều vấn đề lớn, nhưng họa sĩ trẻ chỉ dùng nghệ thuật để nói vấn đề cá nhân? Các họa sĩ thời trước đã làm được điều này từ khi còn trẻ bởi lý tưởng nghệ thuật, lý tưởng xã hội”.

Có thể thấy dám nghĩ, dám làm là bản sắc của lớp họa sĩ trẻ hiện nay, thể hiện qua các tác phẩm và nhiều triển lãm chung riêng. Tuy nhiên, nghệ thuật và nghệ sĩ, họa sĩ đích thực vẫn là thứ sang quý không thể đại trà, không dễ tiếp cận. Đa phần họa sĩ trẻ còn chưa hiểu thấu, chưa có đủ kiến thức, tư chất hội họa và sáng tạo trong người đủ để đưa vào tác phẩm, mong gì đến số đông có thể thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với mình. Và mỹ thuật trẻ lại tiếp tục trông mong vào những cá nhân ưu tú, nổi trội hiếm hoi khác.

 Dễ dàng nhận thấy bên cạnh một số ít ưu điểm, họa sĩ trẻ còn rất nhiều hạn chế. Một trong số đó là họ mải mê tìm sự mới lạ trên tranh, nhưng lại quên mất cái gốc của nghệ thuật là tình cảm. Kết quả là tại các triển lãm mỹ thuật lớn nhỏ hàng năm, rất nhiều tác giả, tác phẩm hoành tráng về mặt số lượng, kích thước, hình thức, nhưng lại bé nhỏ về mặt nghệ thuật, nhiều bức chỉ dừng lại ở mức minh họa ý tưởng. Bên cạnh là không ít tác phẩm sao chép, rập khuôn. Nói một cách… mát mẻ, nhẹ nhàng như nhà lý luận phê bình mỹ thuật Trần Thức: “Đa số họa sĩ trẻ rất cố gắng tìm tòi, sáng tạo, nhưng vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ các trường phái, các họa sĩ đi trước”.

SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục