Hoàn toàn có khả năng cân đối ngân sách, dù giá dầu giảm mạnh

Giá dầu xuống 40 USD/thùng, ngân sách hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng
Hoàn toàn có khả năng cân đối ngân sách, dù giá dầu giảm mạnh

(SGGPO). – Hôm nay, 30-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2015. Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 và các nội dung quan trọng khác.

Giá dầu xuống 40 USD/thùng, ngân sách hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng

Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam. Nổi lên là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh xuống 44,41 USD/thùng (ngày 29-1) và có thể xuống 42 USD/thùng trong quý I-2015. Vì vậy, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, phân tích, đánh giá về diễn biến, tác động của giá dầu thô thế giới đến nền kinh tế.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ. Ảnh: Lã Anh

Các ý kiến nhận định giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, trên cơ sở tính toán, sản lượng khai thác dầu thô sẽ không giảm so với kế hoạch. Theo Bộ Tài chính, tác động của việc giảm giá dầu thô tới nền kinh tế nước ta là tác động hai chiều, có cả khó khăn và thuận lợi, trong đó, mặt thuận lợi là nhiều hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, việc CPI tháng 1-2015 tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp không phải là dấu hiệu của sự giảm phát bởi nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục phát triển như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1-2015 tăng 17,5% so với cùng kỳ…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015 nổi lên vấn đề là giá dầu thô thế giới giảm mạnh, thấp hơn so với mức dự báo khi tính toán các chỉ tiêu vĩ mô, cân đối thu chi ngân sách như đã trình Quốc hội. Tuy nhiên “theo tính toán tổng hợp, giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,2% vẫn khả thi, ngân sách vẫn cân đối được” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết với dự báo giá dầu xuống 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng và như vậy ngân sách hoàn toàn có khả năng cân đối mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi.

Kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; kiên định và bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, nhất là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế (GDP), lạm phát và cân đối ngân sách nhà nước. “Kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%, không để đảo lộn cân đối ngân sách, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 5%” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đưa nợ xấu về mức 3%; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn nhưng chú ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không để nợ xấu gia tăng, giữ ổn định tỷ giá.

Về giá cả, thị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thị trường; phòng chống buôn lậu, phát hiện và xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả. Kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Về giá cước vận tải, Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc định giá của doanh nghiệp; yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá.

Thủ tướng yêu cầu kiên định thực hiện giá thị trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, điện, than. Thận trọng, chặt chẽ trong điều hành giá bảo đảm giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp trong tương quan với giá xăng dầu ở các nước trong khu vực để ngăn ngừa buôn lậu xăng dầu, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ chống buôn lậu. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất dự trữ xăng dầu khoảng 1 đến 1,5 triệu tấn.

Thêm 15.000 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung chỉ đạo và tăng thêm nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tính toán, cân đối, báo cáo và bố trí thêm 15.000 tỷ đồng cho Chương trình hết sức quan trọng này. “Mục tiêu cuối năm 2015 cả nước có khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là khả thi”, Thủ tướng khẳng định và đề nghị phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội bảo đảm cho đối tượng chính sách và người nghèo đón Tết, không được để nhân dân thiếu đói trong dịp tết; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo. Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. “Trong dịp Tết năm nay, nhất quyết phải giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí”, Thủ tướng yêu cầu.

Tránh tối đa hình sự hóa trong quan hệ kinh tế


Tại cuộc họp báo tối qua, nhiều vấn đề báo chí quan tâm được các thành viên Chính phủ chia sẻ. Về việc có nhiều doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý thời gian qua, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng đó là câu chuyện buồn. Không ai muốn họ ngã xuống. Nhưng bất cứ ai, vị trí nào vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý. Quan điểm của Thủ tướng là qua thanh tra, kiểm tra, tạo mọi biện pháp để doanh nghiệp khắc phục hậu quả, tránh tối đa hình sự hóa trong quan hệ kinh tế. Nhưng khi đã làm hết cách mà vẫn không khắc phục được thì phải để cơ quan điều tra vào cuộc.

Một vấn đề thời gian qua dư luận quan tâm là việc một số báo điện tử đăng tải nội dung về bút phê của lãnh đạo Bộ GTVT (Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường) tại một số công văn đề nghị giải quyết công việc của các tổ chức, doanh nghiệp. Trả lời điều này tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, những công văn chuyển xuống các bộ phận có bút phê của bộ trưởng, thứ trưởng để giải quyết công việc là đúng quy định. Đó chỉ là bút phê lưu ý về công việc, không phải là ưu tiên lựa chọn nhà thầu. “Như vậy, bút phê của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường là đúng quy định. Nhưng theo thông tin trên báo chí, trong đơn xin thực hiện dự án của doanh nghiệp có bút phê của thứ trưởng với nội dung: “Yêu cầu Tổng cục Đường bộ - Ban 3 để xử lý”. Bên dưới chữ ký của ông Trường có một bút phê khác có nội dung “Ban 3 đồng ý theo chỉ đạo của lãnh đạo bộ” thì lại không đúng với nội dung văn bản. Vì vậy, qua rà soát, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an xem xét, điều tra để xử lý đúng quy định nếu có sai phạm.

Về vấn đề tin nhắn qua lại giữa Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường với doanh nghiệp “xin lại một số phong bì” mà vừa qua dư luận xôn xao, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết thông tin này là sai sự thật. Trên cơ sở báo cáo của Thứ trưởng Trường, Bộ GTVT đã có báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng, Tổng cục Cảnh sát xử lý.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tăng cường và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và nâng cao vị thế đất nước. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nhất quán việc tăng cường và chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh chóng, kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, nhất là thông tin mạng; phát huy mặt tốt đồng thời kiên trì các biện pháp ngăn chặn tối đa thông tin xấu, độc hại trên mạng Internet.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục