Hoạt động giám sát, phản biện cần “nhạc trưởng” thẳng thắn, dám nói

Luật sư Trương Thị Hòa ví đoàn giám sát như một “dàn nhạc”, phải có “nhạc trưởng” giỏi. Trước khi giám sát, trưởng đoàn phải vạch ra được vấn đề cốt lõi, phải theo dõi suốt quá trình và trong kết luận phải có kiến nghị sát nhất.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Ngày 16-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội thảo Vai trò của MTTQ Việt Nam TPHCM thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

6HH02142.JPG
Quang cảnh hội thảo

Đổi mới nội dung, phương thức giám sát

Mở đầu hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm chia sẻ về công tác phối hợp với MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố để lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý các vấn đề liên quan đến người dân; giải quyết các kiến nghị, phản ánh của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm khẳng định, UBND TPHCM thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, xử lý dứt điểm, kịp thời đúng thẩm quyền, đúng quy định những kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc thực hiện thủ tục hành chính.

Trong đó, UBND TPHCM đã triển khai tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhân dân qua nhiều cách thức, như: gửi qua cổng dịch vụ công quốc gia; gửi đến phòng kiểm soát thủ tục hành chính, văn phòng UBND TPHCM hoặc qua thư điện tử thutuchanhchinh.ubnd@tphcm.gov.vn.

Từng đơn vị, sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện… thực hiện tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền.

TPHCM cũng tiếp nhận và theo dõi việc xử lý, phản ánh của người dân thông qua tổng đài 1022 hoặc qua tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân.

1.jpg
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm tham luận tại hội thảo

Đặc biệt quan tâm đến việc giám sát, phản biện xã hội các vấn đề liên quan phụ nữ và trẻ em, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng Ban chính sách, Hội LHPN TPHCM cho biết, 10 năm qua, hội đã tổ chức giám sát độc lập 26 nội dung; góp ý, phản biện xã hội 78 nội dung; các cấp quận, huyện tổ chức giám sát 438 nội dung, góp ý, phản biện 379 nội dung…

Qua giám sát, nhiều vấn đề được phát hiện, phản ánh và đề xuất kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trong số 90 vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em mà hội thực hiện giám sát trong lĩnh vực tư pháp, có 83 vụ đã giải quyết dứt điểm, có kết quả. Còn 7 vụ đang được cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thời gian qua, hội đã đổi mới mạnh mẽ về phương pháp giám sát. Nổi bật là năm 2023, trước khi giám sát, hội xây dựng phiếu khảo sát và gửi về Hội LHPN các đơn vị có UBND được giám sát để khảo sát rộng rãi trước tình hình thực tế cũng như những đánh giá của cán bộ, hội viên và người dân về nội dung sẽ giám sát. Đồng thời kết hợp đi thực tế, xem xét các vấn đề liên quan nội dung giám sát.

TP Thủ Đức có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Do đó, vẫn còn những khiếu kiện trong thời gian dài chưa được giải quyết dứt điểm. Theo ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, trong 10 năm qua (từ khi còn là 3 quận đến nay), TP Thủ Đức và cơ sở đã thành lập 712 đoàn giám sát, tổ chức 1.432 cuộc giám sát; tiếp nhận 2.639 ý kiến góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án; tổ chức 1.248 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tổ chức 457 hội nghị phản biện.

TP Thủ Đức nhận định, hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã giúp cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở nhìn nhận được những vấn đề tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân dân.

Tái giám sát nếu kiến nghị chưa được giải quyết

Nêu ý kiến tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đánh giá, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội TPHCM thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong giám sát, phản biện xã hội.

"Điểm nhấn là có các đoàn giám sát đã mời thêm chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ về hưu cùng tham gia. Những đối tượng này thường có tiếng nói mạnh dạn, thẳng thắn, tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát”

- bà Phạm Phương Thảo nhận xét.

2.jpg
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nêu ý kiến tại hội thảo

Dù vậy, bà nhìn nhận, việc triển khai hoạt động giám sát một số nội dung mới có kết quả bước đầu, chưa tập trung giám sát và đề xuất xử lý dứt điểm những vấn đề bức xúc, tồn đọng kéo dài của nhân dân.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng e ngại góp ý cho cán bộ lãnh đạo những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống.

Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, trong giám sát phải xác định rõ vấn đề gắn với mục đích yêu cầu, đối tượng giám sát. Kết thúc đợt giám sát phải có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền theo dõi, đeo bám việc giải quyết vụ việc và báo cáo cơ quan tổ chức giám sát. Nếu cần thiết, có thể tái giám sát để đạt được kết quả cao nhất sau giám sát.

Đồng thuận ý kiến trên, luật sư Trương Thị Hòa phân tích, trong giám sát, phản biện xã hội phải nâng cao nội lực của từng đoàn; đồng thời, phải tập trung cho kế hoạch và phương pháp giám sát.

Luật sư Trương Thị Hòa ví đoàn giám sát như một “dàn nhạc”, phải có “nhạc trưởng” giỏi. Trước khi giám sát phải vạch ra được vấn đề cốt lõi; trưởng đoàn phải theo dõi suốt quá trình và trong kết luận phải có kiến nghị sát nhất.

Để cải thiện tình trạng còn e dè, ngại góp ý trong quá trình giám sát, phản biện, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, phải chọn được người trưởng đoàn dám nói thẳng, nói thật.

6HH02166.JPG
Luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị một số nội dung

Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu, thành viên Hội đồng Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng nêu nhiều mặt được và mặt hạn chế trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tại TPHCM.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị bổ sung hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú của MTTQ Việt Nam tập trung vào giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; giám sát trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú.

Theo đó, MTTQ các cấp chủ động phản ánh những biểu hiện suy thoái, phát hiện sớm những dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên để cấp ủy kịp thời định hướng, chỉ đạo giải quyết.

6HH02177.JPG
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội thảo

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thị Kim Thúy nhận xét, hội thảo đã tập trung làm rõ vai trò của MTTQ Việt Nam TPHCM thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy yêu cầu MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng xây dựng các công trình, dự án; các vấn đề liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân.

Quan tâm giám sát các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế - bảo vệ môi trường nhằm góp phần cùng các ngành chức năng chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của nhân dân thành phố…

Tin cùng chuyên mục