Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về, những người tổ chức chương trình học bổng Nguyễn Văn Hưởng lại tất bật với công việc triển khai hoạt động hỗ trợ sinh viên ngành y đầy ý nghĩa này. Chương trình học bổng lần thứ 14 hứa hẹn có thêm nhiều tín hiệu vui…
Ngay buổi sáng diễn ra cuộc họp thường niên của Hội đồng quản lý Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng, chúng tôi đã rất phấn khởi khi nghe bà Nguyễn Kim Sâm, thành viên hội đồng cho biết sẽ đóng góp quỹ 5 triệu đồng.
Càng cảm động hơn khi biết đó là số tiền bà nhận từ buổi lễ trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng vào đầu năm 2012. Việc đóng góp cho quỹ được bà Sâm xem như niềm vui riêng kể từ lúc bà thay mặt người chồng quá cố, giáo sư Nguyễn Viết Tựu, đồng hành với quỹ. Số tiền một vài triệu đồng từ lương hưu, tiền tiết kiệm hay từ các chế độ chính sách khác tuy không nhiều nhưng đã nói lên tấm lòng vì thế hệ bác sĩ tương lai của bà. Suốt 13 năm qua, năm nào cũng vậy, bà là người đầu tiên đến dự họp với nụ cười hiền trên môi. Bà hỏi thăm tình hình học tập, cuộc sống của sinh viên, ý kiến đóng góp cho sự đi lên của quỹ học bổng.
Một bước thành công tiếp theo trong công tác vận động gây quỹ đáng ghi nhận lần này là sự tham gia tài trợ 10 suất học bổng (trị giá 5 triệu đồng/suất) của Công ty TNHH MTV Dược phẩm Vimedimex dành cho các sinh viên ngành y quê ở Bình Thuận và Đồng Tháp. Trong những năm gần đây, tuy hoạt động kinh doanh có phần bị ảnh hưởng do biến động kinh tế nhưng đơn vị đã luôn gắn bó với các chương trình từ thiện xã hội do Báo SGGP phát động.
Cùng với nhà tài trợ “ruột” của quỹ là Công ty Zuellig Pharma, sự tham gia của một đơn vị kinh doanh ngành dược như Vimedimex là động lực quan trọng đánh dấu cho sự đi lên của chương trình học bổng, đồng thời là minh chứng thể hiện sức lan tỏa của quỹ đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp.
Nhưng có lẽ tin vui nhất dành cho các sinh viên ngành y là trong đợt trao học bổng lần thứ 14 vào cuối tháng 4-2012, hội đồng quản lý quỹ thống nhất nâng số lượng học bổng và nâng giá trị của học bổng. Năm nay trao 40 suất học bổng cho sinh viên hệ đại học (6 triệu đồng/suất; năm 2011 là 30 suất – 5 triệu đồng/suất), 20 suất cho học sinh trung học của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TPHCM (4 triệu đồng/suất). Đồng thời nâng mức hỗ trợ cho các cô đỡ thôn bản trong chương trình đào tạo “nữ hộ sinh thôn bản” của Bệnh viện Từ Dũ lên 50 triệu đồng.
Sự kiện này đã tạo tiền đề cho bước phát triển mới về nội dung, hình thức và cả về số lượng lẫn chất lượng như mong muốn lâu nay của tất cả những ai tâm huyết gắn bó với quỹ hơn chục năm qua.
Có thể nói, từ con số vài chục triệu đồng của những năm đầu mới xây dựng quỹ, rồi đến hơn trăm triệu đồng và cao nhất là 376 triệu đồng tại lễ trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 13 (2011) thì con số 570 triệu đồng dành cho lễ trao học bổng lần thứ 14 năm 2012 đã nói lên những cố gắng đáng trân trọng vì sự nghiệp vun bồi tài đức cho các thế hệ bác sĩ tương lai của đơn vị tổ chức là Báo SGGP cùng các thành viên hội đồng quản lý quỹ. Mong rằng trên con đường đi lên của mình, Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của toàn xã hội.
MAI NGUYỄN