
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong buổi làm việc với ĐHQG Hà Nội ngày 23-9, cho hay đề án học phí mới của Bộ GD-ĐT đã trình lên Bộ Chính trị xem xét và sau khi được chấp thuận về nguyên tắc, sẽ được Chính phủ chính thức ban hành theo tinh thần “mức học phí mới sẽ tăng”.
Thế nhưng, chưa đến mốc thời gian phải tăng (dự kiến vào học kỳ II năm học 2008-2009), nhiều cơ sở đào tạo, nhất là khối ngoài công lập, đã chủ động “đi tắt, đón đầu” tăng học phí đến mức chóng mặt.
1 năm học = 14 triệu đồng
Cầm giấy báo trúng tuyển đại học (ĐH) hãnh diện bao nhiêu thì khi đọc mức học phí, nhiều sinh viên (SV) cảm thấy cánh cửa vào ĐH là “giấc mơ đầy sấm chớp”.
Nỗi lo vẫn trĩu nặng dù một số trường có chiêu “khuyến mãi” SV đóng học phí sớm. ĐH DL Hồng Bàng tặng… nón bảo hiểm, ĐH DL Văn Hiến “khấu hao” lại cho SV 130.000 đồng, ĐH DL Kỹ thuật-Công nghệ TPHCM sẽ không tính tiền chênh lệch nếu SV đóng học phí cả năm.

Tại phòng thu học phí Trường ĐHDL Văn Hiến, một phụ huynh ở Cà Mau đắn đo: “Với mức học phí 5.470.000 đồng/năm (chưa kể tiền bảo hiểm y tế, lệ phí nhập học…), không biết gia đình tôi có lo nổi cho con học đến khi ra trường?!”.
Bạn Q.Nam (ở huyện Hòa Thành, Tây Ninh) thật sự sốc khi đọc mức đóng 2 ngành mới của Trường ĐH DL Hồng Bàng là ngành điều dưỡng và ngành kỹ thuật y học, lần lượt là 11,98 triệu đồng và 13,98 triệu đồng/năm: “Học phí gì mà cao ngất trời! Ba mẹ tôi bán nhà cũng chưa chắc lo đủ tiền cho tôi học”.
Thực tế, các trường ĐH ngoài công lập không hưởng ngân sách từ nhà nước nên SV phải chịu mức học phí cao gấp 2 - 3 lần công lập. Một số SV năm 2 khoa Du lịch của Trường ĐH DL Văn Hiến thắc mắc không hiểu sao năm nay học phí tăng từ 4.100.000 đồng lên đến 5.070.000 đồng.
Ở các ngành khác của Trường ĐH DL Hồng Bàng, học phí khóa mới cao hơn khóa cũ hơn 1 triệu đồng: các ngành CNTT, điện tử viễn thông, sinh học môi trường: 6,98 triệu đồng/năm, ngành truyền thông quốc tế đa phương tiện: 8,98 triệu đồng/năm, ngành y sinh học, thể dục thể thao, công nghệ SPA: 9,98 triệu đồng/năm.
Tương tự, mức học phí học kỳ I năm học 2008-2009 các ngành học của các trường: ĐH DL Hùng Vương, ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, ĐHDL Công nghệ Sài Gòn… tăng ít nhất là 1 triệu đồng và mức học phí thấp nhất cũng trên 3 triệu đồng/học kỳ.
SV M.Nga, khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cho biết: Năm thứ nhất, em chỉ đóng 4 triệu đồng/năm, nhưng 2 năm sau, 4 triệu đồng chỉ đủ đóng cho một học kỳ. Những SV đóng học phí trễ bị phạt tiền lời. Nếu học phí tiếp tục tăng, lớp em sẽ có nhiều bạn nghỉ học”.
Công lập: học phí cũng rục rịch tăng

Sinh viên Khoa Cơ khí Đại học Bách khoa TPHCM trong giờ thực tập. Ảnh:MAI HẢI
Nếu như học phí các trường ĐH DL mỗi năm đều tăng 1 triệu đồng thì mức thu ở trường ĐH công lập không thay đổi hoặc tăng rất ít.
Theo Quyết định 70 của Thủ tướng ban hành năm 1998, mức thu một năm với hệ đại học không quá 1,8 triệu đồng, hệ CĐ không quá 1,5 triệu đồng. Mức thu chỉ mang tính “tượng trưng” này làm kìm hãm sự phát triển, nâng cao chất lượng của các trường.
Bởi, kinh phí quy định đào tạo một SV bậc ĐH là 8,1 triệu đồng, CĐ là 6,8 triệu đồng, trong khi ngân sách nhà nước cấp cho các trường công lập rất giới hạn. Các trường phải xoay xở đủ đường trang trải lương giảng viên, nhân viên và đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất.
Chủ trương tạo đột phá trong tài chính cho giáo dục ĐH tuy còn đang trên bàn nghị sự, nhưng cũng đánh thức niềm mong chờ bấy lâu của các trường. Nhiều trường đã lập sẵn mức học phí mới để áp dụng từ học kỳ II năm học 2008-2009 hoặc đầu năm học 2009-2010, nếu đề án tăng học phí được thông qua.
Trường ĐH KHXH-NV TPHCM sẽ áp dụng mức học phí tăng 45.000 đồng/tháng so với mức thu hiện tại chưa đến 200.000 đồng/tháng, mỗi SV sẽ đóng học phí khoảng 2,2 triệu đồng/năm. Trường ĐH Kinh tế TPHCM dự kiến học phí ở một số ngành sẽ là 4,3 triệu đồng/năm. SV ngành sư phạm trước đây được miễn phí, nhưng theo đề án học phí sẽ được cho vay vốn để đóng học phí.
Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự tính mức đóng của SV sẽ là 2 triệu đến 2,2 triệu đồng/năm. Nếu người tốt nghiệp đi dạy ít nhất 5 năm sẽ được nhà nước xóa nợ phần chi trả cho học phí (cả gốc lẫn lãi). Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM quyết định tăng 30% học phí từ đầu năm học mới (so với trước đây trung bình mỗi SV đóng từ 1,3-1,6 triệu đồng/học kỳ).
Tăng học phí – cú hích nâng chất lượng – nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ từ phía ngành GD-ĐT. Nhưng, có phải có tiền sẽ tăng chất lượng, tăng hiệu quả đào tạo? Bên cạnh băn khoăn đó vẫn còn nỗi lo về nguy cơ SV nghèo bỏ học, tuy Bộ GD-ĐT cam kết: tăng học phí đi đôi với tăng trợ giúp học bổng và trợ vốn cho HS, SV nghèo nhưng quỹ tín dụng còn ít, tâm lý SV ngại vay nợ vì thủ tục hành chính, cơ chế vay và trả còn chưa hợp lý.
Sinh viên năm nhất bị bắt đóng học phí cả năm Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và du lịch Sài Gòn bắt SV năm nhất phải đóng học phí nguyên năm học. Trong những khoản chi phí ngoài học phí có những khoản không cần thiết, chẳng hạn như: lệ phí sử dụng thư viện, lệ phí thi TOEIC... N.T.T quê ở Nghệ An, ngành quản trị DL NH KS, được gia đình gom góp 5 triệu đồng. Khi làm thủ tục nhập học, trường bắt đóng hết học phí năm đầu là 4,5 triệu đồng, chưa kể các khoản khác. Do không mang đủ tiền, T. đóng học phí của học kỳ 1 nhưng hạn chót là ngày 15-9 phải đóng hết số tiền cho học kỳ 2. Quá thời hạn trên, T. và những SV chưa hoàn thành học phí của giai đoạn chưa học bị nhà trường nhắc nhở phải hoàn tất đóng, ngày 25-9 là hạn chót. Nhiều SV bức xúc: “Nếu đóng hết học phí cả năm thì SV không còn tiền thuê nhà, không còn tiền để ăn, uống. Trong khi đó, gia đình không có khả năng chu cấp thêm vì đã vét hết tiền cho SV”. |
Doanh – Hà – Hùng