Học sinh bạo lực giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Không thể chấp nhận được

Chiều 6-12 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11.

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn trả lời về vấn đề đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ông Hoàng Minh Sơn cho biết, trước đó, dạy thêm, học thêm từng được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên sau đó được đưa ra khỏi danh mục khi có Luật Đầu tư.

Việc dạy thêm hiện nay diễn ra ở nhiều nơi, từ quy mô nhỏ đến lớn, cả dạy trực tiếp và dạy trực tuyến, cũng khó để cấm. Do đó, đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để cơ quan quản lý có thể quản lý hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người học cũng như người dạy. Nếu có quy định thì sẽ rõ ràng hơn trong trường hợp nào thì được dạy, trường hợp nào thì không.

Về vấn đề bạo lực học đường, cả đối với học sinh và giáo viên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, đây là vấn đề nghiêm trọng, gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (một số học sinh có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với một nữ giáo viên, gây bức xúc dư luận). “Đây là điều mà tất cả chúng ta đều không thể chấp nhận được, phải xác định rõ nguyên nhân để xử lý nghiêm, chấn chỉnh kịp thời, rút kinh nghiệm sâu sắc việc này”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu.

thu-truong-bo-gd-dt-hoang-minh-son-5645-7642.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: QUANG PHÚC

Nêu về giải pháp để ngăn chặn nạn bạo lực học đường, Thứ trưởng cho biết, xử lý kỷ luật là một phần, nhưng quan trọng hơn hết là công tác giáo dục. Đầu tiên là vấn đề giáo viên, phải rà soát lại năng lực, kỹ năng của các nhà giáo đối với việc ứng xử trong nhà trường, với học sinh, từng nhà trường phải đánh giá lại đội ngũ. Với nhà trường, phải thường xuyên theo dõi, rà soát lại quan hệ thầy - trò, diễn biến về tâm lý giáo viên, học sinh; công tác quản lý lớp học… Các phụ huynh cũng phải có trách nhiệm trong việc này, vì phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh là rất quan trọng.

"Cuối cùng, đó là trách nhiệm của xã hội. Giáo dục học sinh không chỉ là trong nhà trường, là trách nhiệm của nhà trường mà là của cả xã hội, những văn hóa ngoài xã hội cũng tác động, ảnh hưởng đến các em", Thứ trưởng nêu.

Về phía ngành giáo dục, Thứ trưởng cho biết sẽ chú trọng hơn trong công tác giáo dục đạo đức học sinh.

1-6418.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải. Ảnh: QUANG PHÚC

Về việc đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội tăng giá gấp trăm lần so với giá khởi điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã giao Sở TN-MT chủ trì và trực tiếp thực hiện cùng với các sở: Tư pháp, Tài chính, Công thương, Công an và các đơn vị có liên quan rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá chất lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá khai thác 3 mỏ: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chặt chẽ và đúng chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Sở TN-MT Hà Nội, do đây là nội dung lớn, quan trọng, liên quan nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều khâu, nên cần có thời gian để rà soát kỹ lưỡng, chi tiết, cụ thể để đánh giá từng nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng. Do đó, UBND TP Hà Nội đã giao Thanh tra TP Hà Nội chủ trì cùng Sở TN-MT Hà Nội phối hợp với các sở ban ngành tiến hành rà soát kỹ lưỡng theo yêu cầu của Thủ tướng.

Ông Hà Minh Hải cho biết, thời hạn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là trước ngày 20-11 nhưng do cần có thời gian để tổng hợp, xem xét chi tiết, UBND TP Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng cho phép báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-12.

Tin cùng chuyên mục