Dạy thêm – học thêm tràn lan

Học sinh bị cuốn vào vòng quay không lối thoát?

Học sinh bị cuốn vào vòng quay không lối thoát?

Ngoài chuyện tăng tiết ngày càng phổ biến ở các trường phổ thông, HS còn phải học cả buổi tối và cả ngày chủ nhật để luyện thi. Đó là bức xúc đầu năm học của bạn đọc Báo SGGP về thực trạng dạy thêm – học thêm tràn lan.

  • Khổ cha mẹ, khổ học trò

Hơn 21 giờ, đường Phan Văn Trường (quận 1) đông nghẹt PHHS đứng đón con tan ca học thêm. Cơn mưa ào xuống, không ít người quên mang áo mưa phải chịu ướt hay chạy tìm chỗ núp. Từng tốp HS túa ra. Đèn đường phản chiếu mặt mũi các em bơ phờ. Không một lời, nhiều em lặng lẽ ngồi lên xe bố mẹ. Một HS nam còn mặc nguyên đồng phục đi học nhảy lên xe: “Lẹ lên đi ba, con đói muốn chết luôn!”.

Học sinh bị cuốn vào vòng quay không lối thoát? ảnh 1

Học sinh học tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa dạy buổi tối (ảnh chụp trước Trường Đồng Khởi quận 1).

Dọc theo đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo - chung quanh Trường Ten-lơ-man; đường Cách Mạng Tháng Tám - trước cổng Trường Nguyễn Thượng Hiền,… đã hơn 20 giờ thậm chí hơn nữa vẫn còn rải rác HS chưa được cha mẹ đón về, đứng nhìn dòng xe cộ ngược xuôi…

Mẹ đi làm xa nên có em như Nga - HS lớp 7 Trường THCS Collete, quận 3 - thường bị đón trễ hàng tiếng đồng hồ. Biết “mùi” học thêm từ hồi lớp 5 để đậu vào công lập, lên lớp 6 cô bé tiếp tục đi học thêm môn toán và lý để giành suất vào ĐH khối A.

Một ngày của Nga được lập trình như sau: học xong chính khóa ở trường là bay ngay đến chỗ học thêm, không kịp ăn cơm, thay quần áo. Sau đó Nga mới về nhà tắm rửa, ăn cơm, rồi lại chuẩn bị bài vở ở trường cho ngày hôm sau. Sáng nào cô bé cũng mở mắt không lên, chẳng kịp ăn sáng, chỉ cầm một hộp sữa rồi đến trường. Cô bé gầy gò này chỉ có một ước muốn: Được ngủ đã giấc trọn một ngày, được đi chơi ở công viên.

1 giờ trưa, trong con hẻm rộng ở đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, gần 20 HS vẫn trong đồng phục đi học buổi sáng tiếp tục “dùi mài kinh sử” trong gian nhà nhỏ cho đến 2 giờ chiều. Đứng đợi con tan ca học thêm, một PHHS vừa than, vừa… ngáp: “Tại cô giáo buổi chiều có giờ dạy ở trường nên tụi nhỏ phải học cái giờ “độc địa” như thế này!”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngôi nhà này được 3 thầy, cô thuê mướn chia ca dạy thêm. Xu hướng kéo HS về nhà dạy đã “xưa rồi”, bây giờ các giáo viên thích tìm địa điểm gần trường học để thuận tiện cho cả thầy lẫn trò, như các lò dạy thêm ở khu vực chợ Vườn Chuối, quận 3; khu vực kênh Nhiêu Lộc, quận Tân Bình...

  • Nguyên nhân: biết rồi, nói mãi

Chuyện dạy thêm – học thêm như nêu trên đến nay đã quá phổ biến, dù muốn hay không, nhiều HS đã bị cuốn vào vòng quay của hiện tượng này. “Học quá nhiều khiến không ít HS lâm vào tình trạng trầm cảm, bị ức chế, thậm chí bị vẹo cột sống, cận thị để lại hậu quả suốt đời. 74% HS tốt nghiệp tiểu học có vấn đề về sức khỏe. Thử hỏi chúng ta sẽ đi đến đâu nếu trào lưu dạy thêm - học thêm không chấm dứt?’’ - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã từng phải thốt lên như thế.

Vấn đề dạy thêm - học thêm ngoài chuyện để cải thiện đời sống người thầy, bổ sung kiến thức cho HS khi chương trình học, sách giáo khoa còn quá nặng nề thì theo GS Văn Như Cương, nguyên nhân chính là do tỷ lệ HS vào được ĐH, CĐ ở nước ta còn rất thấp.

Con đường học tập tuy khá rộng rãi ở bậc phổ thông nhưng lại bị thắt cổ chai ở quãng đường lên ĐH, CĐ. Trên con đường marathon của sự học suốt đời, người ta đua nhau thúc ép con mình chạy nước rút ngay từ cấp tiểu học. Tất cả sự nỗ lực không mệt mỏi ấy chỉ nhằm mục đích cuối cùng là đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

GS – TSKH Lê Ngọc Trà đề xuất: Muốn giảm tình trạng dạy thêm - học thêm cần giảm tải chương trình, tạo điều kiện giúp GV thật sự đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm hình thành tư duy sáng tạo cho HS.

Cải cách hệ thống thi cử, khuyến khích hoạt động đánh giá giáo dục toàn diện đối với HS, trong đó bao gồm nhiều khâu (kiểm tra, thi, cho điểm), nhiều mặt (đạo đức, lối sống khả năng học tập, năng lực diễn đạt, năng lực hoạt động, sinh hoạt cộng đồng…), trên cơ sở đó giảm thiểu các kỳ thi bậc PT, giảm nhẹ thi ĐH bằng cách kết hợp mô hình thi và xét tuyển.

Cách thi cử hiện nay là gốc rễ của tình trạng dạy thêm - học thêm mà dư luận xã hội đang bất bình. 

* 86,9% PHHS được khảo sát xác nhận có cho con em đi học thêm, trong đó có cả HS khá, giỏi.
* 44,2% nhận định rằng học thêm thực chất là học... lại kỹ hơn các nội dung đã học trên lớp, hiểu rõ hơn những kiến thức và kỹ năng chưa được giảng dạy và luyện tập kỹ trong giờ học chính khóa.
* 44,2% HS học thêm, học phụ đạo tại trường.
* HS học thêm tập trung nhiều ở cấp THCS và THPT. HS không phải lớp cuối cấp cũng đi học thêm các môn: toán, văn, lý, hóa, ngoại ngữ.
* 75,7% PHHS biết học thêm khiến “HS không còn thời gian để tự học”, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần.
* Sau các buổi học thêm với cường độ cao (54,3% HS học thêm từ 6-15 giờ/tuần, 20,2% học thêm từ 16 giờ/tuần trở lên), HS lại phải tiếp tục làm bài tập và học bài ở nhà nên không còn thời gian giải trí.
(Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu giáo dục thực hiện ở 2.384 HS lớp 4 đến 12 tại 14 quận - huyện nội và ngoại thành thuộc 38 trường ở TPHCM).

Thư gửi Bộ trưởng Bộ GD – ĐT
Ước gì đêm dài ra một chút!

Đây là thư của một học sinh quá bức xúc chuyện học thêm đã gửi cho Bộ trưởng GT–ĐT Nguyễn Minh Hiển, qua mạng Edu.net của Bộ GD – ĐT. Tựa bài do Báo SGGP đặt.
Đã từ lâu con - một học sinh lớp 12 - muốn được gặp và trò chuyện cùng
bác Bộ trưởng. Bởi vì đối với con hiện nay, bác hệt như một vị tiên
ban điều ước cho học sinh.
Điều ước đầu tiên của con là đêm hãy dài thêm ra, để chúng con có thêm thời gian nghỉ ngơi, chúng con đi học tăng tiết ở trường đòi hỏi học sinh phải ‘’hết sức mình’’, chưa kịp nghỉ đã phải lao vào làm bài tập về nhà (trung bình 5 bài/môn). Chúng con không dám đi ngủ khi chưa làm bài xong bởi hầu như thầy cô luôn cần sự “chuyên cần vô bờ bến” ở chúng con. Và bác biết điều đầu tiên con ngạc nhiên là gì không ạ? Ôi, chỉ mới một cái nhắm mắt trời đã sáng rồi! Quả thật, nền giáo dục hiện tại cho chúng con nhiều bất ngờ thật: ngày dài hơn rất nhiều so với đêm. Con còn mong cả việc bác bỏ chuyện học tăng tiết nữa cơ. Bởi đó là giờ thầy đọc, trò chép (nói cho đúng là ‘’chạy’’ càng nhanh càng tốt chương trình). Thay vào đó, chúng con sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi và năng suất học tập sẽ cao hơn. Chương trình 12 nặng vô cùng - như lời các thầy cô con nói, nhưng không có nghĩa rằng chúng con muốn trở thành những con thiêu thân, chỉ biết bay mà không liệu việc chúng con làm sẽ đi đến đâu.

Thanh Linh
(THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TPHCM)


DOANH DOANH

Tin cùng chuyên mục