Học sinh nghề háo hức trở lại trường

Ngày 14-2, hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên (HSSV) trường nghề tại TPHCM sẽ chính thức học trực tiếp trở lại. Tâm lý chung của thầy, trò đều háo hức mong chờ ngày trở lại trường khi còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm học. 
Thầy Lê Ngọc Tín (trái) hướng dẫn sinh viên năm cuối ngành Cắt gọt kim loại 1 thực hành trên máy
Thầy Lê Ngọc Tín (trái) hướng dẫn sinh viên năm cuối ngành Cắt gọt kim loại 1 thực hành trên máy

Chú trọng phòng dịch

Sáng 10-2, tại khu vực đón tiếp HSSV của Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng tấp nập người ra vào. Bạn Nguyễn Phước Lộc, tân sinh viên Khoa Nhiệt lạnh, vẫn chưa hết bỡ ngỡ chia sẻ, là SV năm nhất nên em mong mỏi được gặp các bạn cùng lớp cũng như trải nghiệm việc học tại trường.

“Còn 4 ngày nữa mới học trực tiếp, vì quá háo hức nên hôm nay em và nhóm bạn cùng lớp - trước đó đã hẹn trên group Zalo, đến trường để hoàn tất thủ tục nhập học, cùng tham quan trường và thấy tự tin khi chọn đúng trường để bước vào đời”. 

Đồng cảm với Lộc, bạn Lê Quyết Thắng, tân sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, mong chờ được tự tay vận hành các thiết bị ở xưởng thực hành. Để chuẩn bị cho việc học sắp tới, Thắng và các bạn chú trọng các biện pháp phòng dịch.  

Với Quách Khánh Tường, khóa 20 ngành Cắt gọt kim loại 1, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương, hơn 2 tháng nữa là tốt nghiệp ra trường. Tường và hàng trăm SV năm cuối của trường đã tiêm đủ 3 mũi vaccine nên khá yên tâm khi được tới trường học trực tiếp.

Tường chia sẻ: “Trong thời gian thực hiện giãn cách, không được đến xưởng thực hành là thiệt thòi rất lớn đối với SV năm cuối. Từ ngày 13-12-2021 được trở lại trường, vào xưởng thực hành với số lượng giới hạn 10-15 bạn tụi em rất vui. Khi thực hành, tất cả luôn đeo khẩu trang và hạn chế tập trung đông người”. 

Tất cả đã sẵn sàng

5 tuần qua, thành phố giữ vững vùng xanh, là cơ sở để thầy và trò trường nghề vững tin trở lại trường.

Theo TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt TPHCM, giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực giáo dục đặc thù. Đối với các ngành có hàm lượng lý thuyết nhiều như kế toán, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn viên du lịch… học trực tuyến quá dài cũng trở nên nhàm chán. Những ngành học như ô tô, điện tử, cơ điện… đào tạo trực tuyến càng khó khăn hơn, do những ngành này, người học thực hành bằng giác quan vật lý nên buộc phải tiếp xúc trực tiếp với máy móc mới có thể học được. Vì vậy, năm 2021 dù gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, nhà trường vẫn đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại để khi HSSV trở lại học trực tiếp sẽ thuận lợi hơn.

“Rất mừng là đến nay, hơn 750 HSSV năm cuối cơ bản hoàn thành khóa luận tốt nghiệp. Trên 1.000 tân HSSV cơ bản tiêm đủ 2 mũi vaccine. Số ít các em ngoại tỉnh, sau khi vào học nhà trường sẽ phối hợp với y tế địa phương tiến hành tiêm chủng để các em an tâm học tập”, TS Lê Lâm cho biết thêm. 

ThS Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương, khẳng định, dù dịch bệnh ở TPHCM chuyển biến rất tích cực nhưng nhà trường không chủ quan lơ là công tác phòng chống dịch. Cụ thể, ngoài chuẩn bị các điểm khử khuẩn, đo thân nhiệt, trường còn thành lập 7 tổ công tác phòng chống dịch; tổ chức test nhanh Covid-19 ngẫu nhiên cho HSSV khi trở lại học trực tiếp. Điều này sẽ giúp trường chủ động hơn trong việc kiểm soát nếu có ca mắc Covid-19 trong nhà trường.

TS Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, cho biết, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hàng ngàn HSSV năm cuối của trường đã chậm tốt nghiệp gần 3 tháng qua. Hiện nhiều doanh nghiệp liên kết với nhà trường đang khát nhân lực. Dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng chương trình học của HSSV nhà trường bị kéo dài hơn dự kiến. Trường sẽ tận dụng thời gian “vàng” này tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học tập, thực hành tại xưởng và doanh nghiệp, nhất là HSSV năm cuối để tốt nghiệp ra trường. 

Đại diện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác cũng khẳng định, đặc điểm của trường nghề là 70% thời lượng thực hành và 30% thời lượng lý thuyết, do đó dù có sử dụng các phần mềm thực hành ảo cũng không thể truyền tải hết được các kiến thức quan trọng, nhất là thực hành trên máy. HSSV bắt buộc phải đến trực tiếp, cầm tay chỉ việc mới có thể thao tác chuẩn và kỹ năng nghề thuần thục. Vì vậy, ngay sau khi thành phố phê duyệt kế hoạch mở cửa trường học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch; diễn tập, lên phương án, kịch bản ứng phó với tình huống phát sinh, đảm bảo tiêu chí an toàn trường học để đón các em trở lại.

Hiện TPHCM có 393 trường nghề, trong đó có 57 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 24 trung tâm GDNN-GDTX, 248 trung tâm GDNN và cơ sở hoạt động GDNN với trên 450.000 HSSV.

Tin cùng chuyên mục