“Sống thật, sống tốt với người xung quanh, sống có trách nhiệm, chia sẻ và hoàn thành tốt nhất công việc của mình”. Đó là suy nghĩ của cô công nhân Vũ Thị Bẩy (Xí nghiệp may Thị Nghè, TPHCM) khi học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ về tính giản dị.
Trong căn nhà nhỏ ở hẻm 93 phường 17 quận Bình Thạnh TPHCM, từ tờ mờ sớm, chị Bẩy bắt đầu một ngày bằng việc tranh thủ may thêm ít hàng gia công và lo cơm nước cho hai con chuẩn bị đến trường. Thỉnh thoảng, chị lại đến giường bệnh trông nom bố chồng. Tất bật như vậy nhưng đúng 7 giờ sáng, chị đã có mặt ở Xí nghiệp may Thị Nghè.
Nguyên tắc của chị rất nhất quán: Luôn vào vị trí làm việc trước 10 phút để kiểm tra máy, sắp xếp việc nào làm trước, làm sao để thuận tiện, thuận tay khi lấy bán thành phẩm một cách nhanh nhất; giữ kỹ phụ liệu được cấp phát phục vụ cho công việc; tập trung may cẩn thận đối với từng chi tiết may để tránh sai sót, phải tái chế lại mất thời gian, chi phí; không đi làm trễ, về sớm; không nói chuyện riêng, nói chuyện điện thoại, nhắn tin trong giờ làm việc để mất thời gian, ảnh hưởng năng suất.
Với chị, lãng phí thời gian của công việc cũng là một hành vi sai phạm. Thán phục phong cách làm việc của chị Bẩy, anh Trần Hữu Vinh, Tổ trưởng Tổ may 6 Xí nghiệp May Thị Nghè cho biết: “Với tác phong làm việc nghiêm túc, siêng năng và sáng tạo, chị Bẩy luôn sẵn lòng nhận làm những công đoạn khó, cẩn trọng trong từng đường may, loại bỏ các thao tác thừa để giảm thời gian, tăng năng suất”.
Nói về chị Bẩy, chị Phạm Thị Thanh Truyền, Trưởng xưởng may Xí nghiệp may Thị Nghè, cảm nhận: “Những nhân tố tích cực như chị Bẩy đã lan tỏa trong xưởng. Chúng tôi học được ở chị nhiều điều tốt đẹp”.
Khi mới có đợt phát động Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, chị Bẩy là người tiên phong vận động anh chị em trong xưởng may sửa đổi lề lối làm việc cho khoa học hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí và nguyên phụ liệu. Nỗ lực rèn luyện nâng cao tay nghề của chị được khẳng định bằng giải thưởng “Bàn tay vàng” Hội thi Thợ giỏi dệt may toàn thành năm 2011 và là chủ nhân của nhiều giải thưởng cao quý vinh danh nghề đều đặn hàng năm.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Xí nghiệp may Thị Nghè cho biết, các phong trào hưởng ứng việc học tập, làm theo Bác tại đơn vị như tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đã được người lao động tích cực tham gia, trong đó chị Bẩy đã góp nhiều sáng kiến cho công việc tốt hơn. Cần kiệm, giản dị và luôn cầu tiến, đó là phương châm sống và làm việc của cô công nhân may Vũ Thị Bẩy.
Hồng Hiệp