Học viện Chính trị khu vực IV: Trung tâm đào tạo cán bộ chủ chốt ở ĐBSCL

Trải qua 15 năm thành lập (2006- 2021), Học viện Chính trị khu vực IV (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập ở ĐBSCL.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, cùng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL dự lễ bàn giao công trình nhà ký túc xá học viên A2 ở Học viện Chính trị khu vực IV

Ngày đầu gian nan

Tiến sĩ Nguyễn Thành Hưng, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, nhớ lại: “Tháng 4-2006, Học viện Chính trị khu vực IV được thành lập, lúc đó chỉ có 3 cán bộ và chưa có nơi làm việc, nơi ở… tình hình hoạt động gặp nhiều khó khăn. Thế là, Học viện phải nhờ Trường Chính trị TP Cần Thơ hỗ trợ phòng làm việc, đồng thời tích cực làm các thủ tục để xin cấp đất xây dựng trụ sở. Tuy nhiên, quá trình tìm và làm các thủ tục kéo dài, nên Học viện phải thuê đất ở KDC Ngân Thuận (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) để làm việc đến năm 2009; sau đó tiếp tục thuê trụ sở của Tiểu đoàn trinh sát Quân khu 9 (từ 2009 - 2012). Mãi đến năm 2012, mới ổn định được nơi làm việc ở số 6 đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài) cho đến nay”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Hưng, nếu như tìm nơi xây dựng trụ sở đã khó, thì những ngày đầu việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ nhằm xây dựng bộ khung cho các đơn vị chức năng, đơn vị giảng dạy… càng khó khăn hơn. Lãnh đạo Học viện IV phải liên hệ với các tỉnh ĐBSCL, rồi thông báo rộng rãi về tuyển dụng cán bộ, giảng viên… Sau nhiều năm kiên trì, vừa tuyển dụng, vừa đưa đi đào tạo cán bộ trẻ, cộng với xin chủ trương điều động và tiếp nhận cán bộ biệt phái, giảng viên từ các địa phương trong khu vực, từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh... dần dần đội ngũ giảng viên của học viện được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, học viện đã thành lập được 16/20 đơn vị; tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động lên 105 người. Về trình độ chuyên môn, có 22 tiến sĩ, 59 thạc sĩ, 14 cử nhân và hiện tại đang đưa đào tạo 19 tiến sĩ, 2 thạc sĩ.

Học viện Chính trị khu vực IV: Trung tâm đào tạo cán bộ chủ chốt ở ĐBSCL ảnh 2 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, cùng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL trồng cây ở Học viện Chính trị khu vực IV

Đào tạo chính trị cho hàng chục ngàn cán bộ

Tiến sĩ Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV bộc bạch: “Dù khó trăm bề, nhưng trong 15 năm qua, chúng tôi luôn hoàn thành chỉ tiêu mở các lớp cao cấp lý luận chính trị theo sự phân công, phân cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cụ thể, mở 90 lớp hệ tập trung với 4.402 học viên, 86 lớp hệ không tập trung với 8.044 học viên, 15 lớp hệ hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị với 1.196 học viên.

Ngoài ra, Học viện Chính trị khu vực IV còn phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Hành chính quốc gia… tuyển sinh 30 lớp cao học với gần 20 chuyên ngành đào tạo khác nhau.

Năm 2021, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chiêu sinh các chuyên ngành đào tạo như: Quản lý văn hóa, quản lý kinh tế, pháp luật về quyền con người, tôn giáo học, xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước…

Học viện cũng đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các ban, bộ ngành Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 41 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng với 3.883 lượt học viên.

Học viện còn phối hợp với các tỉnh thành ĐBSCL tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn cấp huyện và cấp tỉnh, đã mở 12 lớp với 956 lượt học viên. Kết quả này đã khẳng định vị trí, uy tín của học viện trong đào tạo, bồi dưỡng…”.

Thời gian qua, Học viện Chính trị khu vực IV luôn thực hiện tốt nhiệm vụ khoa học với 1 đề tài cấp nhà nước, 24 đề tài cấp bộ, 46 đề tài cấp cơ sở… tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và thông tin khoa học; trong đó có nhiều hội thảo kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước.

Đặc biệt, tổ chức thành công 3 đợt tập huấn, tọa đàm quốc tế (1 đợt phối hợp với đại sứ Vương quốc Anh, 2 đợt phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế JICA Nhật Bản)… Đối với hợp tác quốc tế của học viện có bước phát triển cả về quy mô và nội dung, tạo nên sự chuyển biến về chiều rộng lẫn chiều sâu; góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển toàn diện. Hiện nay, học viện có quan hệ hợp tác với nhiều học viện nước ngoài như: Học viện Hành chính Vân Nam, Đại học sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc); Học viện Hành chính Ấn Độ...

Học viện Chính trị khu vực IV: Trung tâm đào tạo cán bộ chủ chốt ở ĐBSCL ảnh 3 Lễ khởi công xây dựng Nhà hành chính – hiệu bộ, nhà ký túc xá 5 tầng, cùng hạ tầng kỹ thuật… ở Học viện Chính trị khu vực IV

Theo tiến sĩ Phan Công Khanh, sự ra đời của Học viện Chính trị khu vực IV đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở ĐBSCL. Và cũng chính từ sự phối hợp, hỗ trợ của các tỉnh thành ĐBSCL, Quân khu 9, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cùng các ngành chức năng… đã giúp Học viện Chính trị khu vực IV hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua.

“Nếu như ngày đầu khó khăn về cơ sở vật chất thì đến nay Học viện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ ngơi. Đã khởi công xây dựng Nhà hành chính – hiệu bộ, nhà ký túc xá 5 tầng, cùng hạ tầng kỹ thuật… Đồng thời, vừa bàn giao công trình nhà ký túc xá học viên A2, cao 5 tầng và 1 tum; tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang và Vĩnh Long. Riêng tỉnh Hậu Giang xây dựng một ký túc xá 25 phòng nhằm đáp ứng nhu cầu ăn ở, học tập, nghiên cứu cho cán bộ…”, tiến sĩ Phan Công Khanh cho hay.

Tới đây, Học viện Chính trị khu vực IV sẽ đẩy mạnh đưa cán bộ đi đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý và đào tạo; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh thành ĐBSCL, tăng cường quan hệ đối ngoại… nhằm đưa học viện phát triển lên tầm cao mới.

Tin cùng chuyên mục