Đại hội trù bị Hội Âm nhạc TPHCM lần thứ VI nhiệm kỳ 2010 - 2015 vừa diễn ra cả ngày 24-6, tại Nhà hát thành phố, với sự tham dự của 302 hội viên (trên tổng số 560 hội viên). Không khí đại hội diễn ra sôi nổi với phần tranh luận, phát biểu ý kiến, trình bày các tham luận… nhằm đóng góp phát triển hội trong nhiệm kỳ tới. Tranh luận nóng bỏng nhất là những vấn đề liên quan đến nhạc sĩ trẻ…
Tiêu chí: trẻ hóa đội ngũ cán bộ hội
Trước hết, nhìn vào Hội Âm nhạc TPHCM hiện nay, người ta dễ thấy sự thiếu vắng của những gương mặt nhạc sĩ trẻ, năng động, sáng tạo. Lực lượng chủ chốt giữ các vai trò chính trong hội hiện vẫn là những nhạc sĩ nhiều tuổi nghề, tuổi đời. Thế hệ đi trước có nhiều lợi thế về chuyên môn và họ vẫn luôn dốc lòng, cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi để khuyến khích lực lượng trẻ tham gia vào các hoạt động hội. Thế nhưng, không ít nhạc sĩ trẻ gia nhập hội chỉ nhằm mục đích được công nhận là hội viên Hội Âm nhạc thành phố, giúp họ dễ dàng trong hoạt động nghề, chứ ít tham gia, đóng góp phát triển hội.
Có nhạc sĩ trẻ từng phát biểu: “Không muốn gia nhập Hội Âm nhạc TPHCM vì thấy không cần thiết!”. Về vấn đề này, Ban Chấp hành nhiệm kỳ V đã nhận trách nhiệm, rằng: “Chưa tìm được một phương thức hoạt động nào có hiệu quả để các nhạc sĩ trẻ có thể tham gia học tập chính trị, cũng như thâm nhập thực tế, để nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và tích lũy vốn sống có hàm lượng xã hội nhiều hơn”.
Ban Chấp hành nhiệm kỳ V còn trăn trở với việc “Làm thế nào để đội ngũ nhạc sĩ trẻ có ý thức nghiên cứu các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, nắm bắt kịp thời và hiểu đúng về tình hình của đất nước và quốc tế. Đó là động lực quan trọng, thúc đẩy các hoạt động sáng tác và biểu diễn thoát khỏi những trì trệ hiện nay…”. Đó cũng là bức xúc của nhiều đại biểu - nhạc sĩ tại đại hội lần này. Ai cũng mong muốn có thêm nhiều gương mặt trẻ tham gia vào ban chấp hành để hội có sự đổi mới, năng động hơn.
Tại đại hội, sự vắng mặt của rất nhiều nhạc sĩ trẻ, nhất là những nhạc sĩ trẻ có tên tuổi trên thị trường âm nhạc hiện nay, cũng nói lên phần nào sự thiếu hụt lực lượng trẻ có tâm huyết với hoạt động của Hội Âm nhạc TPHCM.
Sáng tác trẻ - lượng nhiều chất ít
Tình hình hoạt động âm nhạc tại TPHCM hiện nay diễn ra rất sôi động, nhất là trong vài năm trở lại đây, minh chứng là ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, từng bước khẳng định tài năng với những đóng góp thiết thực cho đời sống âm nhạc cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, bức tranh âm nhạc của thành phố vẫn còn tồn tại nhiều mảng màu nhợt nhạt. Đặc biệt, đó là sự mất cân đối trong phát triển các loại hình âm nhạc, biểu hiện lượng nhiều chất ít của các ca khúc trẻ với phần lớn các sáng tác còn hời hợt, thậm chí thô thiển, lấn át dòng nhạc chính thống, bác học.
Đại tá – thạc sĩ Võ Công Phước, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, khẳng định: “Chúng ta không phủ nhận trong cuộc sống đương đại, con người thường hướng đến nhu cầu giải trí để giảm bớt áp lực, căng thẳng. Đó cũng là một trong những chức năng của văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện có rất nhiều tác phẩm, chủ yếu là ca khúc có ca từ mang nội dung lệch lạc về tình yêu, vô cảm trước cuộc sống, lai căng cả về ngôn ngữ và hình thức âm nhạc. Những ca khúc ấy được phổ biến trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tiêm nhiễm vào tâm não lớp thanh thiếu niên, hạ thấp thị hiếu công chúng”.
Kết thúc đại hội trù bị, Hội Âm nhạc TPHCM đã bầu chọn được Ban chấp hành mới với 15 thành viên. Kết quả: Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM nhiệm kỳ 2010 - 2015 là nhạc sĩ Trần Long Ẩn, ba Phó Chủ tịch là nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên và NSƯT Trần Vương Thạch. |
Đồng cảm với những vấn đề phát triển của âm nhạc hiện nay, GS-TS NSND Quang Hải, NSND Đỗ Lộc, nhạc sĩ Trương Quang Lục, Thế Hải, Hoàng Mạnh Toàn, Xuân Nghĩa… đã đưa ra những mẩu chuyện nghề, những ý kiến nhấn mạnh quan điểm xem trọng cái tâm của người sáng tác, tư duy, lý luận, kỹ thuật sáng tác, ngôn ngữ văn chương trong tác phẩm âm nhạc; vấn đề quảng bá tác phẩm mới; chuyện đạo nhạc; công tác quản lý nhà nước và vai trò của hội trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước về công tác quản lý nghệ thuật…
Vẫn còn rất nhiều tham luận, ý kiến đóng góp sẽ được tiếp tục trình bày tại đại hội diễn ra vào sáng nay 25-6-2010 tại Nhà hát thành phố. Đó là những ưu tư và mong mỏi của các nhạc sĩ tâm huyết với sự phát triển âm nhạc TPHCM hiện tại và tương lai.
THÚY BÌNH