Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, tại Nhà khách Chính phủ ở thủ đô New Delhi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
5 lĩnh vực trụ cột
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Manmohan Singh bày tỏ vui mừng về sự phát triển của quan hệ hai nước trong hơn 40 năm qua, đặc biệt kể từ sau khi Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí các giải pháp thúc đẩy hợp tác trên 5 lĩnh vực trụ cột. Theo đó, coi việc củng cố và tăng cường quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy là nền tảng rất quan trọng trong quan hệ hai nước; tiến hành thường xuyên hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới nhằm tăng cường tình hữu nghị, tin cậy lẫn nhau; duy trì, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có về ngoại giao, quốc phòng, an ninh; đồng thời, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực; đẩy mạnh giao lưu hợp tác trên kênh Đảng, Quốc hội, các ngành, các địa phương, nhân dân hai nước.
Hai bên nhấn mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước; duy trì và thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương hiện có, mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ và sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; tăng cường hợp tác về huấn luyện, đào tạo lực lượng…
Về kinh tế, hai bên nỗ lực triển khai thực hiện thỏa thuận của kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học, kỹ thuật, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015, đề ra mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 4 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2013 đạt xấp xỉ 4 tỷ USD. Khuyến khích đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước.
Ấn Độ hiện đã có 74 dự án đầu tư vào Việt Nam. Hai bên nhất trí sẽ duy trì và mở rộng hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí tại các khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Dịp này, 8 văn kiện hợp tác đã được 2 bên ký kết như Thỏa thuận về bảo vệ tương hỗ đối với trao đổi thông tin mật, Bản ghi nhớ hợp tác tài chính, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Petro Việt Nam và Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Công ty Tata Power về xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng, Việt Nam trị giá 1,8 tỷ USD…
Giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai bên nhất trí cho rằng châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, nhưng còn nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và dân tộc gia tăng và diễn biến phức tạp. Tình hình đó đòi hỏi các nước và cộng đồng quốc tế phải đề cao trách nhiệm và nỗ lực để đảm bảo hòa bình, chủ quyền, an ninh cho tất cả các quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Hai bên nhất trí cần giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có Công ước 1982 của Liên hiệp quốc (LHQ) về Luật Biển, bảo đảm an ninh, an toàn đường biển và tự do hàng hải.
Hai bên cam kết phối hợp chặt chẽ về lập trường và hành động trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN - Ấn Độ, LHQ... Thủ tướng Manmohan Singh đánh giá cao việc Việt Nam tiếp tục ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ mở rộng, khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Trong cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh chính sách hướng Đông của Ấn Độ, đánh giá cao việc Ấn Độ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ Ấn Độ tham gia tích cực vào các cơ chế do ASEAN làm trung tâm, nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực Đông Nam Á và Đông Á.
Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ
Sau khi kết thúc hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ, trong đó có những điểm đáng lưu ý. Về cam kết chiến lược, hai nhà lãnh đạo quyết định tăng cường trao đổi chính trị cấp cao bằng việc thúc đẩy các chuyến thăm và các cuộc gặp gỡ song phương bên lề các sự kiện khu vực và đa phương. Hai bên nhất trí hợp tác quốc phòng đã trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Manmohan Singh đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi về các điều khoản của khoản tín dụng 100 triệu USD trong lĩnh vực quốc phòng để tạo thêm động lực cho sự hợp tác sẵn có này. Việt Nam - Ấn Độ khẳng định mong muốn và quyết tâm hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở châu Á; nhất trí cho rằng tự do hàng hải ở biển Đông không nên bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Hai nhà lãnh đạo quyết định mở rộng hợp tác song phương trên các lĩnh vực như: công nghệ vũ trụ, quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn và ứng phó với thiên tai, dự báo thời tiết, khoa học và công nghệ biển, thủy văn, khí tượng học, công nghệ nano và hợp tác hạt nhân dân sự.
Về quan hệ đối tác kinh tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng quan hệ đối tác kinh tế trở thành một trong những nội dung chính của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Việt Nam - Ấn Độ nhất trí tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020 và thúc đẩy đầu tư giữa hai nước, nhất là ở các lĩnh vực: giáo dục, cơ sở hạ tầng, dầu khí, năng lượng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, nông nghiệp, dệt, công nghệ thông tin và dược.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác sớm triển khai Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ trong các ngành dịch vụ và đầu tư nhằm phát triển hơn nữa dựa trên động lực từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hóa. Hai bên cũng nhất trí hợp tác sớm thực hiện Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm hỗ trợ Ấn Độ hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
| |
>> Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ
>> Dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước
ĐỖ CAO (tổng hợp)